Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (TP. Hải Dương): Gặp khó vì cổ đông bất đồng

(BĐT) - Báo Đấu thầu vừa nhận được phản ánh của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình về tình trạng khó khăn có thể phải đóng cửa Bệnh viện. Nguồn gốc của câu chuyện bắt đầu từ sự tranh chấp, bất đồng giữa các cổ đông.
Vốn điều lệ đăng ký của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hiện đã xuống mức vốn góp thực tế là 16,7 tỷ đồng
Vốn điều lệ đăng ký của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hiện đã xuống mức vốn góp thực tế là 16,7 tỷ đồng

Tự ghi nhận tài sản chung là vốn góp

Theo phản ánh của Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, doanh nghiệp này tiền thân là Công ty CP Khám chữa bệnh đa khoa Hòa Bình, thành lập tháng 11/2002. Cổ đông sáng lập (CĐSL) gồm 3 cá nhân Phạm Thị Chiển, Trần Văn Thắng và Nguyễn Đức Huân.

Tính đến thời điểm 31/12/2007 (theo báo cáo kiểm toán của Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn định giá ACC Việt Nam), vốn góp chủ sở hữu từ ba cổ đông trên là 7,1 tỷ đồng.

Nhằm thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, Công ty đã xin đất tại phường Hải Tân, TP. Hải Dương. Qua đó đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất 5.350,95 m2 với giá chuyển nhượng 2,9 tỷ đồng từ Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng đô thị Nam Cường.

Bên cạnh đó, từ tháng 1/2007 đến tháng 2/2008, Công ty đã huy động thêm được 9,6 tỷ đồng vốn góp của 4 cổ đông khác. Tổng cộng số vốn thực góp của tất cả các cổ đông là 16,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Công ty lại đăng ký vốn điều lệ 27,735 tỷ đồng, cao hơn 11,035 tỷ đồng so với vốn thực góp. Nhằm bù đắp phần chênh lệch, 3 cổ đông sáng lập ban đầu đã tự định giá thửa đất 5.350,95 m2 thuộc quyền sử dụng của Công ty có giá trị 18,135 tỷ đồng. Sau khi trừ đi 7,1 tỷ đồng vốn góp ban đầu, 3 cổ đông sáng lập đã tự coi giá trị chênh lệch 11,035 tỷ đồng là vốn góp bổ sung của mình.

Theo Chi cục Thuế TP. Hải Dương và các công ty kiểm toán độc lập, việc 3 cổ đông sáng lập tự ý coi giá trị thửa đất 5.350,95 m2 là vốn góp của mình là không hợp lệ, do đây là tài sản chung của Công ty.

Theo quy định của pháp luật về thuế, nếu Công ty không thu đủ vốn góp bằng mức vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh mà đã đi vay vốn ngân hàng, thì các khoản chi phí lãi vay cho phần vốn góp còn thiếu không được tính vào chi phí doanh nghiệp. Nếu Công ty không loại trừ khoản chi phí này để tính thu nhập chịu thuế thì Công ty bị xem là gian lận thuế và vi phạm pháp luật về thuế.

Chi cục Thuế TP. Hải Dương đã xác định Công ty phải nộp bổ sung 230.947.101 đồng truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt và chậm nộp năm 2013. Tương tự, số tiền mà Công ty phải nộp lại cho cơ quan thuế năm 2014 là 165.336.428 đồng. 

Bất đồng giữa các cổ đông

Từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018, vợ chồng ông Vũ Văn Khoa và bà Nguyễn Thị Thu Trang đã nhận chuyển nhượng lại cổ phần từ một số cổ đông đã thực góp vốn vào Công ty. Tính đến nay, ông Khoa đã nắm giữ 31.000 cổ phần (có tổng mệnh giá là 3,1 tỷ đồng). Còn bà Trang nắm giữ 23.500 cổ phần (có tổng mệnh giá là 2,35 tỷ đồng).

Ngày 30/9/2017, 100% cổ đông của Công ty thông qua nghị quyết bầu bổ sung bà Trang tham gia Hội đồng quản trị (HĐQT) và giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty đến nay.

Thực hiện quyền cổ đông theo Luật Doanh nghiệp, ông Khoa đã đứng ra trực tiếp triệu tập cuộc họp bất thường của Đại hội đồng cổ đông vào ngày 24/12/2018. Đại hội đồng cổ đông đã thông qua nghị quyết giảm vốn điều lệ đăng ký của Công ty xuống mức góp thực tế là 16,7 tỷ đồng.

Đồng thời, Đại hội đồng cổ đông đã ban hành điều lệ mới của Công ty phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2014 (do điều lệ cũ được xây dựng theo Luật Doanh nghiệp năm 2005 không còn phù hợp); tổ chức lại bộ máy Công ty theo điều lệ mới và Luật Doanh nghiệp năm 2014.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Khoa cho biết, các cổ đông dự họp đại diện trên 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (cụ thể là 65,27% tổng số vốn cổ phần thực góp 16,7 tỷ đồng). Và theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 7, vốn điều lệ của Công ty đã là 16,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Khoa cho biết thêm, thời gian qua, một số cổ đông khác lại có văn bản gửi đến Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh Hải Dương yêu cầu Ngân hàng không tiếp tục cấp tín dụng cho Công ty, dẫn đến Công ty gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyên đề