Bệ phóng mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BĐT) - Tiếp thêm niềm tin, kỳ vọng vào một bệ phóng mới cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong tương lai, để đây thực sự trở thành một động lực mới giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đưa đất nước phát triển bền vững. 
Cần thiết có chính sách để các doanh nghiệp start-up tìm kiếm được nguồn vốn, hỗ trợ về nơi làm việc chung
Cần thiết có chính sách để các doanh nghiệp start-up tìm kiếm được nguồn vốn, hỗ trợ về nơi làm việc chung

Đây là nội dung xuyên suốt buổi trò chuyện đầu xuân của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, người đã dành nhiều tâm huyết cho Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV với Báo Đấu thầu.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về đóng góp của khối DNVVN? Họ đang phải chịu những thiệt thòi gì, thưa Thứ trưởng?

DNNVV chiếm 97% tổng số DN, đóng góp khoảng 40 - 50% GDP, 33% thu ngân sách nhà nước và tạo ra trên 60% việc làm. Đóng góp lớn nhất của khu vực DNNVV là công tác giải quyết công ăn việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giảm bất bình đẳng trong xã hội, góp phần ổn định chính trị xã hội, giảm tệ nạn. Cũng nhờ có việc làm, người lao động có thêm thu nhập, có tiền để chi tiêu, góp phần phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.

Đóng góp của DNNVV cho xã hội lớn như vậy, nhưng họ lại đang rất thiệt thòi nếu so với DN lớn, DNNN hay DN có vốn đầu tư nước ngoài. DNNVV tiếp cận đất đai khó, do năng lực tài chính hạn chế, họ không quen được chính quyền, không đủ tiền mua đất nên cứ sản xuất, kinh doanh tại gia, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống dân cư. Nếu sản xuất ở khu công nghiệp sẽ khác. Thế nhưng trong khi tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là trên dưới 70%, các DNNVV vẫn khó tiếp cận đất trong khu công nghiệp.

Đa phần DNNVV cũng rất hạn chế về thông tin thị trường, họ không làm nghiên cứu thị trường, không có thông tin thị trường, không có phòng pháp chế riêng, không có tiền thuê luật sư, chỉ làm theo kinh nghiệm...

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là rất khó tiếp cận vốn tín dụng chính thức từ hệ thống ngân hàng, có khi còn chưa được con số 20% DNNVV tiếp cận được vốn tín dụng như thống kê hiện nay.

Bệ phóng mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ảnh 1
Thứ trưởng Đặng Huy Đông
Thưa Thứ trưởng, Luật DNNVV sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn nào cho DN?

Nhiều ý kiến cho rằng DNNVV chiếm tới 97% số DN, giúp thì giúp hết à, lấy đâu ra tiền! Thế nhưng, thiết kế của Luật để hỗ trợ DNNVV không phải như cách nghĩ này.

Chương II của Dự thảo Luật quy định các nội dung hỗ trợ cơ bản đối với DNNVV, trong đó chủ yếu về chính sách, không đưa một đồng nào trực tiếp cho bất cứ ai. Ví dụ như hỗ trợ về thông tin, tư vấn. Như tôi đã nói, một trong những hạn chế lớn của DNNVV là khả năng tiếp cận thông tin. Nhà nước phải đi nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin cho DN về cơ hội, định hướng làm ăn. Nhà nước cũng cần cung cấp thông tin về pháp luật, đào tạo về quản trị, quản lý tài chính cho khu vực DN này. Nhà nước cũng có thể xây dựng trang web về các phần mềm quản lý tài chính đơn giản cho dùng chung, doanh nghiệp vào trang đó download về sử dụng miễn phí. 

Tiếp theo, Chương III của Dự thảo Luật thiết kế theo hướng hỗ trợ có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm chứ không dàn trải, chỉ hỗ trợ cho nhóm DN sản xuất chế tác, chế tạo, tạo ra của cải vật chất thực sự, không hỗ trợ DN dịch vụ bán lẻ…

Thứ nhất là DN mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang. Mọi quốc gia đều hướng tới nền kinh tế chính thức phải lớn hơn phi chính thức, trong khi nước mình thì phi chính thức chiếm một nửa, thậm chí hơn. Để hộ kinh doanh chuyển thành DN thì phải hỗ trợ, cần cho họ thời gian quá độ vài năm. Thời gian đầu mới chuyển đổi sang DN, tần suất báo cáo 1 năm 1 lần, nội dung báo cáo đơn giản hơn, miễn thuế lúc đầu cho quen. Tiền hỗ trợ cho nhóm này ít, vì vốn dĩ họ chưa đóng thuế nên miễn thuế cho họ Nhà nước cũng không mất gì.

Chương trình thứ hai là hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo qua việc xây dựng các chương trình, tạo dựng hệ sinh thái cho khởi nghiệp. Các DN này ban đầu không thể tiếp cận vốn vay tín dụng từ ngân hàng được. Nhiều ý kiến cho rằng cho DN khởi nghiệp huy động vốn trên sàn chứng khoán, nhưng DN khởi nghiệp làm sao lên sàn được khi chưa có gì cả. Vì thế, phải có chính sách để các DN start-up tìm kiếm được nguồn vốn, hỗ trợ về nơi làm việc chung.

Nhà nước có chính sách giúp cho các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của tư nhân như các quỹ thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm… theo hướng nếu các quỹ này thực sự giải ngân cho DN khởi nghiệp thì họ được giảm thuế, miễn thuế. Đây là cách giúp cho người đi giúp DN khởi nghiệp chứ không đưa tiền cho DN. Ngoài ra, Nhà nước giúp các DN start-up tiệm cận với các phòng thí nghiệm, xét nghiệm. Nhà nước giúp để họ được xét nghiệm với chi phí gốc thôi, không lấy khấu hao. Các quỹ đầu tư mạo hiểm trả tiền. Với chương trình này Nhà nước không phải hỗ trợ bằng tiền, chỉ bớt thuế cho các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp khi họ giải ngân.

Chương trình thứ ba hỗ trợ các DN theo cụm liên kết ngành, để xây dựng ra chuỗi giá trị bền vững. Tôi vẫn hay lấy ví dụ về con cá tra, bám theo nó là cái gì, là giống, thức ăn, nước thải, lọc nước sạch, văc xin, thu hoạch, chế biến ra thị trường,… Ta giúp các DN làm ở chuỗi đấy. Khi hỗ trợ từng DN trong cụm liên kết ngành, có thể giúp cả chuỗi giá trị phát triển mạnh mẽ hơn. 

Với các chương trình hỗ trợ này, chi phí Nhà nước bỏ ra không nhiều, nhưng kết quả đo đếm được ngay, đó là bao nhiêu việc làm được tạo ra, xuất khẩu bao nhiêu, đóng thuế bao nhiêu…

“Gọi là hỗ trợ nhưng thực chất là Nhà nước đang đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đây là những khoản đầu tư rất có lời” – Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói. 
Thứ trưởng hình dung ra sao về bức tranh DNNVV khi Luật được thông qua và thực thi hiệu quả?

Cạnh tranh của nền kinh tế bắt đầu từ cạnh tranh của DN. Cạnh tranh của DN dựa trên chất lượng và giá thành của hàng hóa, dịch vụ, mà muốn có chất lượng phải dựa trên nền tảng của đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ. Giá thành hàng hóa muốn rẻ hơn cũng phải cần công nghệ tốt hơn, năng suất cao hơn… Tất cả đều phải xuất phát từ trí tuệ cá nhân. Cá nhân có ý tưởng sáng tạo đổi mới, Nhà nước nâng đỡ kịp thì sẽ có rất nhiều sáng tạo có hiệu quả đi vào thực tế, sản phẩm tự thân cạnh tranh được hoặc góp phần vào sự cạnh tranh của sản phẩm khác. Cuối cùng mới có cộng đồng DN phát triển bền vững, có sức cạnh tranh.

Khi nhìn vào các nước phát triển, nhiều khi vẫn có sự hiểu nhầm, rằng thành quả phát triển là do những DN lớn như Samsung, Sony, Honda mang lại, nhưng không phải. Những DN này được tạo dựng bởi hàng vạn DNNVV trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Nhiều nước còn cấm các tập đoàn lớn thành lập công ty con để tự làm, vì nếu tự làm thì cứ sử dụng sản phẩm của công ty con, không có cạnh tranh, điều này vừa giúp phát triển DNNVV, vừa tốt cho chính các tập đoàn lớn.

Với thiết kế của Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, các hỗ trợ của Nhà nước chủ yếu là chính sách, một khoản tiền không lớn để hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực, thông tin và tư vấn, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Có thể coi đây là khoản tiền đầu tư rất hiệu quả, nuôi dưỡng nguồn thu, dễ dàng đo đếm được một đồng bỏ ra mấy đồng đưa về.

Điều này cũng thể hiện rõ vai trò Chính phủ kiến tạo, năng động, phục vụ DN, người dân, tạo dựng môi trường chính sách thuận lợi cho DN phát triển.

Chuyên đề