Bão tỷ giá càn quét lợi nhuận của doanh nghiệp

(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, tỷ giá biến động đã tác động đến nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết. Đối với DN sản xuất trong nước và thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu thì được hưởng lợi. Bất lợi thuộc về các DN mới đầu tư máy móc, thiết bị và có vốn vay bằng ngoại tệ giá trị lớn.
Lãi suất huy động USD giảm về 0% chưa đủ để giảm áp lực lên tỷ giá. Ảnh: Tất Tiên
Lãi suất huy động USD giảm về 0% chưa đủ để giảm áp lực lên tỷ giá. Ảnh: Tất Tiên

“Mất” hàng trăm tỷ đồng vì tỷ giá

USD và Yên Nhật là hai đồng tiền đã khiến lợi nhuận của DN bị “thổi bay” hàng trăm tỷ đồng trong những tháng đầu năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng năm 2015 của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) cho thấy khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lũy kế vào khoảng 402 tỷ đồng. DCM có tổng doanh thu đạt 3.950 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt trên 460 tỷ đồng, hoàn thành 74% chỉ tiêu kế hoạch năm.

Việc DCM chủ yếu vay nợ bằng USD và trong thời gian qua tỷ giá USD/VND tăng mạnh là nguyên nhân của khoản lỗ này. Đến ngày 30/9/2015, DCM có ít nhất tổng số nợ vay bằng ngoại tệ gần 500 triệu USD. Trong đó, có khoản vay 220 triệu USD từ nhóm cho vay là các ngân hàng: Ngân hàng BNP Paribas, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Credit Agricole; khoản vay trị giá 220 triệu USD với Ngân hàng Vietinbank ký tháng 9/2009; khoản vay trị giá trên 48 triệu USD vay Ngân hàng TMCP Đại chúng, thời hạn vay tối đa 38 tháng với mục đích cơ cấu lại khoản vay.

Mặc dù kết quả sản xuất kinh doanh liên tục được cải thiện nhưng với khoản vay bằng ngoại tệ lớn, “bóng ma” tỷ giá luôn ám ảnh các nhà đầu tư khiến cổ phiếu (CP) DCM trì trệ ở mức giá thấp. Cách đây một năm khi thực hiện IPO lần đầu DCM có giá đấu bình quân 12.251 đồng/CP. Sau khi lên sàn hơn 1 năm, giá CP vẫn loanh quanh ở mức này.

Sau khi đồng Yên tăng giá 5% trong quý III, nhiều DN cũng bắt đầu “ngấm đòn” tỷ giá. Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (PPC) có số dư nợ vay dài hạn đến thời điểm 30/9 là 23,2 tỷ Yên. Trong kỳ báo cáo tài chính quý III/2015, công ty mẹ PPC chịu lỗ chênh lệch tỷ giá sau khi đánh giá lại tỷ giá của khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ cuối kỳ là 213,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi tỷ giá 422,13 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho lãi ròng quý III của PPC đạt 73,3 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 338,36 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 441,5 tỷ đồng, giảm 11%.

Trong kỳ báo cáo tài chính quý III/2015, công ty mẹ PPC chịu lỗ chênh lệch tỷ giá sau khi đánh giá lại tỷ giá của khoản nợ vay có nguồn gốc ngoại tệ cuối kỳ là 213,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi tỷ giá 422,13 tỷ đồng.

Chưa hết, tỷ giá còn tác động đến hoạt động của công ty thành viên làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của PPC. Theo ý kiến ngoại trừ của kiểm toán tại Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm: “Công ty xác định giá trị dự phòng giảm giá đối với khoản đầu tư vào Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh trên cơ sở báo cáo tài chính của đơn vị này. Tuy nhiên, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn đầu tư xây dựng chưa được phân bổ vào kết quả kinh doanh của đơn vị này kết thúc ngày 30/6/2015. Nếu trích lập dự phòng đầu tư tài chính trên cơ sở giá trị thuần của Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đã điều chỉnh 50% phần chênh lệch tỷ giá còn chưa phân bổ hết, lợi nhuận trước thuế của Công ty sẽ giảm và dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn sẽ tăng lên với số tiền là trên 95 tỷ đồng”. Như vậy, PPC vẫn đang treo số tiền này và nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận khi kết thúc năm tài chính.

Một DN khác trong lĩnh vực vận tải biển chịu tác động tiêu cực từ tỷ giá là Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu Vitaco (VTO). DN này có khoản vay ngoại tệ bằng USD trị giá 857 tỷ đồng. Chi phí tài chính quý III/2015 của VTO tăng vọt so với cùng kỳ  năm trước từ mức 9,7 tỷ đồng lên 38,6 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, chi phí tài chính của VTO là 79,9 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là hơn 49 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến chi phí tăng vọt chính là việc lỗ tỷ giá khiến lợi nhuận của VTO bị giảm mạnh. Kết quả quý III/2015, Công ty báo lãi sau thuế 3,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 19 tỷ đồng.

Lãi suất 0% không làm giảm áp lực lên tỷ giá

Mặc dù tỷ giá đã biến động tăng mạnh từ đầu năm đến nay nhưng thời điểm nào hạ nhiệt vẫn còn là ẩn số. Chưa nhìn thấy triển vọng sáng sủa đối với kết quả kinh doanh quý IV và cả năm tại những DN có vốn vay bằng ngoại tệ giá trị lớn.

Theo nhận định của giới phân tích, hiện tỷ giá đang tăng và khó lòng giảm trở lại; và điều này cho thấy có lẽ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải có biện pháp trong những tuần tới trước việc tỷ giá liên tục tăng. Việc giảm lãi suất huy động USD về 0% gần đây đã không làm giảm áp lực lên tỷ giá. Một số công ty chứng khoán nhận định, NHNN có lẽ sẽ tiếp tục chính sách bơm thanh khoản ngoại tệ và sử dụng biện pháp hành chính nhằm giữ cho tỷ giá không biến động quá mạnh.

Chuyên đề