80% doanh nghiệp dự kiến có thưởng cho người lao động

(BĐT) - Theo Bộ trưởng Bộ Lao động -  Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, quy định thưởng Tết là do chủ sử dụng lao động quyết định mức thưởng và được ký trong hợp đồng lao động từ đầu năm giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây là thực tế đang diễn ra từ nhiều năm nay liên quan đến mức thưởng Tết của các DN và đơn vị dành cho người lao động. Cụ thể, do chế độ thưởng Tết chưa được luật hóa, cũng như chưa có quy định cụ thể nên việc thưởng hay không thưởng, thưởng nhiều hay thưởng ít đều phụ thuộc vào kết quả hoạt động, kinh doanh của đơn vị, DN hoặc sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Điều này, một mặt được nhận xét là phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh riêng của từng DN, đơn vị, nhưng đôi khi cũng dẫn đến tình trạng chưa công bằng khi so sánh công sức và sự đóng góp của người lao động đối với DN.

Nhận xét chung về tình hình thưởng Tết năm 2016, trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, năm nay tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN có khá hơn. Vì vậy, theo báo cáo của hơn 31.000 DN, đến thời điểm này, thưởng Tết Dương lịch của năm 2016 so với năm 2015 tăng 2%, đơn vị cao nhất có mức thưởng khoảng 600 triệu đồng. Cũng theo báo cáo, có khoảng trên 80% DN dự kiến có thưởng, còn 13% chưa có khả năng thưởng Tết.

Liên quan đến việc một số đơn vị, DN sản xuất thưởng Tết cho công nhân, nhân viên bằng sản phẩm và có ý kiến cho rằng cần quy định thưởng Tết bằng tiền mặt, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, quy định thưởng Tết là do chủ sử dụng lao động quyết định mức thưởng và được ký trong hợp đồng lao động ngay từ đầu năm hoặc thỏa ước lao động, và sẽ được công khai sau khi trao đổi với công đoàn của công ty. Chính vì vậy, có DN không có khả năng thưởng, nên hợp đồng từ đầu năm không dám ghi sẽ thưởng, nhưng phần đông, trên 80% DN chúng tôi được biết có thưởng không phải vì họ sản xuất tốt, mà họ có ý thức chính người lao động là người quyết định đến hiệu quả hoạt động của công ty. Do đó, tuyệt đại bộ phận DN đều có quy định về tiền thưởng ngay trong hợp đồng từ đầu năm, tuy nhiên do một số khó khăn nên không có thưởng.

“Tôi nghĩ rằng, nếu DN có thưởng thì nên thưởng bằng tiền mặt cho người lao động vì thực tế thưởng bằng tiền mặt có tính động viên lớn cho người lao động, tạo sự phấn khởi để họ gắn bó hơn với DN. Hơn nữa ý nghĩa về vật chất rất thiết thực, vì phần đông người lao động có thu nhập thấp họ cũng muốn có khoản thưởng lo Tết cho gia đình”, bà Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ.

Theo kết quả khảo sát lương, thưởng Tết của các DN đóng trên địa bàn TP. Hà Nội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội, nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dự kiến thưởng Tết cho người lao động ở mức cao nhất. Tính trung bình, nhóm này có mức thưởng bình quân là 3.770.000 đồng/người, tăng xấp xỉ 1% so với năm trước. Tiếp đến, là nhóm công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu với mức thưởng bình quân là 3.350.000 đồng/người, tăng 1,5% so với năm trước.

Đối với TP.HCM, tiền thưởng cao nhất là nhóm doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh, công ty cổ phần không có vốn nhà nước; và thấp nhất là DN có vốn đầu tư nước ngoài. 

Chuyên đề