20 năm Luật Doanh nghiệp: Tiếp nối tinh thần cải cách mạnh mẽ

(BĐT) - Tại Hội thảo 20 năm Luật Doanh nghiệp: “Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách”, nhiều ý kiến đánh giá, Luật Doanh nghiệp (DN) đã có những cải cách quan trọng góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. 
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mở rộng quyền của cổ đông, nhóm cổ đông về việc tiếp cận thông tin tình hình hoạt động của công ty. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mở rộng quyền của cổ đông, nhóm cổ đông về việc tiếp cận thông tin tình hình hoạt động của công ty. Ảnh: Tiên Giang

Nối tiếp tinh thần này, tại Dự thảo Luật DN (sửa đổi) đang được trình Quốc hội cho ý kiến tiếp tục đề xuất những điểm sửa đổi, bổ sung tập trung vào việc tạo lập môi trường kinh doanh an toàn hơn và rẻ hơn.

Nhiều thành tựu nổi bật

Sau 20 năm Luật Doanh nghiệp (DN) được ban hành, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận xét: “Đây là Luật đầu tiên của kinh tế thị trường Việt Nam. Dựa trên 4 tiêu chí đánh giá là tự do kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ; an toàn trong kinh doanh; giảm, thu hẹp và loại bỏ rủi ro từ chính sách và thực thi luật pháp, thì Luật DN đã đạt được nhiều thành tựu”.

Cũng theo ông Cung, qua nhiều phiên bản sửa đổi, Luật DN đã tiệm cận hơn với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện quan trọng để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cũng như tham gia các hiệp định thương mại tự do.

“Cái được bao trùm là một hệ thống tư duy mở rộng quyền tự do kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tăng an toàn, giảm rủi ro trong kinh doanh đã chi phối ở mức độ nào đó trong cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc sửa đổi nhiều đạo luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán…”, ông Cung nhấn mạnh.

Đồng tình với đánh giá này, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nhận xét, Luật DN được ban hành, ngoài DN hưởng lợi (giảm chi phí về thời gian và tiền bạc) thì Nhà nước cũng được nhiều. Đó là Luật DN tạo sự thay đổi trong tư duy quản lý quyền kinh doanh; tháo gỡ tư duy quản được đến đâu thì mở đến đó…

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhìn nhận, vẫn còn không ít nội dung cần tiếp tục được hoàn thiện. Đó là vấn đề chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao; đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp; chưa hình thành khung quản trị đối với DN nhà nước; việc quản trị chưa có xu hướng tuân thủ các thông lệ quản trị tốt...

Sửa Luật Doanh nghiệp: An toàn hơn và rẻ hơn

Kế thừa tất cả tinh thần cải cách của Luật DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM, thành viên Ban soạn thảo Luật cho biết, Dự thảo Luật DN (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tạo lập môi trường kinh doanh an toàn hơn và rẻ hơn. Ông Hiếu nhấn mạnh: “Tại các phiên bản Luật DN trước, các cải cách tập trung vào gia nhập thị trường nhanh hơn. Song lần này, dư địa riêng cho cải cách nội dung này ở một chừng mực nào đó theo một số ý kiến đã tới hạn, nhưng theo tôi, chúng ta vẫn còn dư địa”.

Vậy dư địa ở đâu? Trả lời câu hỏi này, ông Hiếu cho biết: “Thực tế thủ tục gia nhập thị trường hiện có 8 bước với 16 ngày, bao gồm: Đăng ký thành lập DN với cơ quan đăng ký kinh doanh (3 ngày), khắc dấu (1 ngày), thông báo mẫu dấu (1 ngày), mở tài khoản ngân hàng (1 ngày)… Để cải cách, Dự thảo Luật DN đề xuất bãi bỏ những thủ tục không cần thiết như thủ tục thông báo mẫu dấu…, góp phần giảm chi phí cho DN”.

Nhưng quan trọng hơn, theo đại diện Ban soạn thảo Luật DN (sửa đổi), Dự Luật nhắm tới mục tiêu nâng cao quản trị DN, giúp DN kinh doanh an toàn hơn. Theo đó, Dự Luật dự kiến sửa đổi quản trị công ty TNHH theo hướng không bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát, có thể thuê ngoài kiểm toán viên hoặc công ty kiểm toán để thực hiện chức năng kiểm soát (trừ DN có vốn nhà nước); mở rộng quyền của cổ đông, nhóm cổ đông về việc tiếp cận thông tin tình hình hoạt động của công ty…

Đối với vấn đề quản trị DN nhà nước (DNNN), theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN thuộc CIEM, nếu so sánh thực trạng quản lý DNNN tại Việt Nam với 39 nguyên tắc quản trị của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) thì chưa được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn, dù đã làm, đã nỗ lực. Đó là mục tiêu sở hữu nhà nước còn chưa rõ ràng, nhất quán; vẫn còn các biểu hiện ưu đãi tiếp cận nguồn lực; chưa đảm bảo quyền của các bên có lợi ích liên quan; thực thi pháp luật về công bố thông tin còn yếu...

Một số ý kiến khác cũng nhận xét, quản trị của DNNN vẫn đi sau quản trị của các loại hình DN khác. Để nâng cấp quản trị DNNN, Dự Luật đề xuất chia DNNN làm 2 loại: DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và DN mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong đó, quy định cơ chế phù hợp về quản trị, giám sát, quản lý nhà nước đối với từng loại DN.

Chuyên đề