11 hiệp hội doanh nghiệp ký cam kết kinh doanh liêm chính

(BĐT) - Sáng ngày 13/11, tại Hà Nội, 11 hiệp hội doanh nghiệp (DN) ngành nghề tại TP. Hà Nội và TP.HCM cùng ký Bản cam kết về kinh doanh liêm chính nhằm đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, tính trách nhiệm và hành vi đạo đức của DN, hướng tới cùng hợp tác hành động nhằm xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính.
11 hiệp hội doanh nghiệp  ngành nghề tại TP. Hà Nội và TP.HCM cùng ký Bản cam kết về kinh doanh liêm chính. Ảnh: Trần Nam
11 hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề tại TP. Hà Nội và TP.HCM cùng ký Bản cam kết về kinh doanh liêm chính. Ảnh: Trần Nam

Lễ ký kết Hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức.

11 hiệp hội DN tham gia ký Cam kết bao gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam, Hiệp hội DN TP. Hà Nội, Hiệp hội Phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Hiệp hội DN Dược Việt Nam, Hội Cao su Nhựa TP.HCM, Hiệp hội DN TP.HCM, Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Nhựa TP.HCM, Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM.

Đánh giá cao sự cam kết của các Hiệp hội trong việc thúc đẩy liêm chính DN tại Việt Nam, ông Stephen Taylor - Trưởng bộ phận Chính trị của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội cho rằng, các DN này đã và đang tiên phong trên con đường củng cố sự thành công của Việt Nam trong tương lai thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ông Stephen Taylor hy vọng, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều DN xem đây là hình mẫu để áp dụng theo.

“Sự chuyên nghiệp, hành vi đạo đức đúng đắn và tính chính trực được đề cao đối với nhân viên, khách hàng và chuỗi cung ứng là phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh. Các hiệp hội DN ký cam kết kinh doanh liêm chính được mong đợi sẽ là đơn vị cộng tác tích cực và triển khai mạnh mẽ phong trào thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong các DN ngành do mình đại diện, cùng hành động tập thể tạo nên tấm lá chắn vững chắc nhằm giảm thiểu, ngăn chặn các rủi ro liên quan tới hối lộ, tham nhũng trong các giao dịch kinh doanh”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam lưu ý: “DN muốn thay đổi thì cần phải có thời gian. Do đó, DN cần có những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm để theo dõi tiến độ thực hiện Cam kết, đảm bảo Cam kết không chỉ là một lời hứa mà còn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam”.

Một trong những lợi ích trước mắt, theo bà Đinh Thị Bích Xuân – Phó Giám đốc Văn phòng vì sự phát triển bền vững (VCCI), 11 hiệp hội đã ký cam kết kinh doanh liêm chính này có cơ hội được cấp hỗ trợ tài chính từ Chương trình GBII với trị giá 160 triệu đồng/đề xuất. Nguồn tài trợ được trích từ Quỹ Thịnh vượng Vương quốc Anh và Dự án Vùng thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng tại ASEAN của UNDP. Cơ hội này sẽ tiếp tục mở rộng đối với những hiệp hội DN tiếp tục tham gia.

Theo đó, mỗi DN sẽ được tài trợ từ 50 - 90 triệu đồng. Thời gian thực hiện là trong 1 năm, chia thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (tháng 12/2019 – 3/2020), mức hỗ trợ tài chính cho mỗi DN là 50 - 90 triệu đồng (bao gồm 10% chi phí hoạt động chung cho hiệp hội). Giai đoạn 2 (tháng 4 đến tháng 11/2020), mức hỗ trợ tài chính cho mỗi DN là 50 - 70 triệu đồng (bao gồm 10% chi phí hoạt động chung cho hiệp hội). Các đề xuất hỗ trợ tài chính cho sáng kiến liêm chính trong kinh doanh tập trung vào các nội dung như: quản trị công ty minh bạch, trách nhiệm giải trình, cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử.

Chuyên đề