Doanh nghiệp Việt bắt đầu 'lân la' hỏi về Cách mạng 4.0

Nhiều chuyên gia làm việc trong các hãng công nghệ lớn cho biết nhiều doanh nghiệp nội địa đang bắt đầu chủ động tìm hiểu về Cách mạng 4.0
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu công nghệ mới của Cách mạng 4.0 nhưng chưa nhiều sẵn sàng áp dụng.
Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tìm hiểu công nghệ mới của Cách mạng 4.0 nhưng chưa nhiều sẵn sàng áp dụng.

Đánh dấu bằng sự bùng nổ của các công nghệ mới như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học, công nghệ nano...”, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” hay “Cách mạng 4.0” trở thành đề tài nóng tại Việt Nam trong suốt một năm trở lại đây, được nhắc đến tại hầu hết mọi diễn đàn kinh tế, công nghệ và truyền thông dù khái niệm này đã ra đời từ 2011.

Nhiều chuyên gia đang làm việc tại các hãng công nghệ lớn xác nhận, độ nóng của của đề Cách mạng 4.0 đã tạo sức ép nhất định, khiến một số doanh nghiệp bắt đầu lân la đi tìm hiểu vì sợ tụt hậu. Tuy nhiên, phần lớn cũng còn khá loay hoay với việc chọn công nghệ mới và thay đổi phương thức kinh doanh.

Theo ông Hà Như Hải – Phó tổng giám đốc chi nhánh miền Nam CMC Telecom, Việt Nam đang ở trong Cách mạng 4.0

“Mình đang ở trong Cách mạng 4.0. Theo đánh giá của chúng tôi, xu hướng hiện nay là các doanh nghiệp đã tiếp cận được các xu hướng IoT, robotics, ảo hóa… Trong 100 doanh nghiệp mà chúng tôi tiếp cận thì có 60% có ý thức ứng dụng các tiến bộ công nghệ mới này. Tuy nhiên, chỉ có 20% thực sự sẵn sàng áp dụng. Còn 40% đang loay hoay trong việc lựa chọn giải pháp”, ông Hải cho biết.

Ông Nguyễn Phước Hưng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM nhận định, đã có tín hiệu của việc các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu và thay đổi kế hoạch kinh doanh để phù hợp với Cách mạng 4.0

“Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi mô hình và cách thức hoạt động. Có những doanh nghiệp đã lên kế hoạch cho sự thích ứng này”, ông Hưng chia sẻ.

Việc tìm hiểu về Cách mạng 4.0 cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp nhận ra các thử thách sắp tới. Hội tin học TP HCM (HCA) nhận định, nguy cơ đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam trong  nền công nghiệp 4.0 chính là quá trình tự động hóa sẽ triệt tiêu nhiều vị trí công việc truyền thống. Cách thức tổ chức, quản lý dùng công nghệ cũng sẽ ảnh hưởng rõ rệt, tạo nên khoảng cách trong tăng trưởng giữa các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp và người lao động trong giai đoạn hiện nay cần sẵn sàng năng lực tiếp cận công nghệ, chuyển đổi tư duy và hệ thống hạ tầng tại doanh nghiệp để tiếp cận và thích ứng. Doanh nghiệp cần tìm hiểu các yếu tố về trí tuệ nhân tạo, năng lực sáng tạo, bổ sung hoạt động đào tạo để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai”, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký HCA nhận định.

“Thách thức chính là vượt qua chính bản thân mình. Đây là một sân chơi chung và nó đang đẩy chúng ta đi. Nếu chúng ta chạy nhanh thì chúng ta thắng, còn nếu chúng ta chỉ đi thôi thì đã thua rồi. Vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực cho cuộc Cách mạng 4.0 này rất quan trọng. Nhân lực ở đây là nhân lực về công nghệ và nhân lực cho những ý tưởng kinh doanh”, ông Hoàng Quốc Trưởng – Phó giám đốc VNPT TP HCM đánh giá.

HCA nhận định thêm, tuy Chính phủ và các ban ngành đã có nhiều chính sách, biện pháp để đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp CNTT và doanh nghiệp ứng dụng đa ngành nghề vẫn thiếu nhiều điểm giao thoa trong việc hiểu và ứng dụng CNTT.

Doanh nghiệp ứng dụng hiện nay nhận biết được tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhưng loay hoay chưa tìm được mô hình thích hợp với năng lực của từng doanh nghiệp hoặc chưa cân đối nguồn lực trong đầu tư cho công nghệ.

Tại Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam (VIO 2017) do đơn vị này tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Thông tin – Truyền thông vào ngày 20/9 tới, những cơ hội và thách thức với doanh nghiệp Việt trong Cách mạng 4.0 cũng sẽ tiếp tục là chủ đề chính được thảo luận.

Chuyên đề