Doanh nghiệp tại Anh kêu gọi hoãn Brexit

Mối lo về những hỗn loạn có thể xảy ra nếu Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận đang bùng lên trong các doanh nghiệp khi thời hạn Brexit đang tới gần...
Đầu tư kinh doanh vào Anh đã giảm 3 quý liên tiếp trong năm 2018 - Ảnh: Getty Images.
Đầu tư kinh doanh vào Anh đã giảm 3 quý liên tiếp trong năm 2018 - Ảnh: Getty Images.

Nhiều doanh nghiệp tại Anh đang kêu gọi hoãn kế hoạch Brexit nhằm tránh viễn cảnh xấu Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 29/3 mà không có thỏa thuận nào, CNN cho biết.

"Nhiều doanh nghiệp chúng tôi làm việc cùng đang cầu mong kế hoạch Brexit được gia hạn", James Stewart, người phụ trách vấn đề Brexit tại hãng kiểm toán KPMG, cho biết. "Thời điểm này, kể cả những khách hàng hiểu biết nhất của chúng tôi cũng cảm thấy rằng bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra". 

Kế hoạch Brexit đề xuất được đàm phán bởi Thủ tướng Anh Theresa May và các quan chức EU đã bị các nhà làm luật Anh bác bỏ. Nghị viện Anh dự kiến tiến hành bỏ phiếu vào thứ 3 tuần sau để sửa đổi kế hoạch này. Trong khi đó, không có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo EU sẽ mở lại các cuộc đàm phán. 

Trong bối cảnh thời hạn chót 29/3 đang tới gần và những hậu quả kinh tế nghiêm trọng có thể xảy ra nếu Anh "chia tay" EU mà không có thỏa thuận, việc trì hoãn kế hoạch này trở thành giải pháp dễ chấp nhận hơn với các doanh nghiệp.

Nhiều tổ chức vận động hành lang doanh nghiệp từng kêu gọi cần có sự rõ ràng về các điều khoản "chia tay" và quan hệ thương mại trong tương lai của Anh với EU. Tuy nhiên, vài tuần gần đây, trọng tâm của các nhóm này chuyển sang thành cố gắng ngăn chặn một cuộc "chia ly hỗn loạn" bằng mọi giá. 

Nối gót các chuỗi siêu thị của Anh, mới đây hai hãng ăn nhanh McDonald's và KFC cảnh báo rằng việc rời khỏi EU vào ngày 29/3 mà không có thỏa thuận sẽ gây ra những "xáo trộn đáng kể" trong chuỗi cung ứng của mình. 

Các công ty này cho biết đang tiến hành dự trữ hàng hóa ở những nơi có thể, nhưng "tất cả các kho đông lạnh đã được sử dụng và không còn nhiều chỗ trống", đồng thời cảnh báo nông dân Anh sẽ bị "ảnh hưởng nghiêm trọng". 

Tuần trước, Airbus cho biết công ty này sẽ buộc phải chuyển hướng đầu tư nếu Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận. Trong khi đó, hãng xe Mỹ Ford nói rằng Brexit không thỏa thuận có thể khiến công ty thiệt hại 800 triệu USD trong năm 2019. 

Phòng Thương mại Anh, đại diện cho 75.000 doanh nghiệp tại nước này, cảnh báo rằng Brexit không thỏa thuận sẽ là "một thảm họa đối với kinh tế Anh, các doanh nghiệp và người dân". Việc này sẽ làm gia tăng chi phí và rào cản thương mại với các doanh nghiệp tại Anh.

Mark Essex, giám đốc phụ trách chính sách công tại KPMG, nhận định "những ẩn số chưa biết" có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nhất cho các doanh nghiệp. 

"Các siêu thị đang nghĩ về việc sẽ nhập bánh mỳ và chuối ở đâu, nhưng họ có thể chưa nghĩ đến việc sẽ mua linh kiện thay thế cho tủ lạnh ở đâu nếu chúng bị hỏng", Essex nói. "Điều gì xảy ra nếu chúng bị mắc kẹt ở Đức?". 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Anh, 41% công ty tin rằng hỗn loạn mang tên Brexit sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của mình và họ vẫn chưa bắt đầu chuẩn bị cho khả năng đó. 

Mặc dù hoãn Brexit là một lựa chọn tốt cho các doanh nghiệp, việc này cũng gây ra những hậu quả nhất định. Từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016, các doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ đều phàn nàn rằng việc không chắc chắn về các quy định thương mại trong tương lai khiến họ hoãn kế hoạch đầu tư. Và việc trì hoãn Brexit sẽ dẫn tới nhiều "điều không chắc chắn" hơn.

Theo dữ liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, đầu tư kinh doanh vào Anh đã giảm 3 quý liên tiếp trong năm 2018 (từ tháng 1 đến tháng 9) - lần giảm dài nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển ít nhất 800 tỷ Bảng (1.000 tỷ USD) tài sản ra khỏi nước này sang các nước EU do Brexit, theo EY. 

Chuyên đề