Các DN siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá làm theo cách mới. Ảnh: Internet |
Quy mô của doanh nghiệp (DN) tư nhân siêu nhỏ - những DN có số lượng lao động dưới 10 người - chiếm đến gần 70% trong tổng số hơn 500.000 doanh nghiệp tư nhân hiện nay.
Theo ông Võ Trí Thành, với số lượng lớn như vậy nhưng “sức khoẻ” của các doanh nghiệp siêu nhỏ lại không khoẻ. Vấn đề cần quan tâm là liệu họ có khả năng trụ vững rồi lớn lên thành DN nhỏ và vừa hay vẫn loay hoay ở dạng siêu nhỏ hoặc đuối quá thì thành lập một thời gian rồi giải thể?
Thời gian đầu của nhiều DN siêu nhỏ là những hộ kinh doanh cá thể với kinh nghiệm mua đi, bán lại hàng hoá, sau đó có điều kiện thì đầu tư thêm vào sản xuất. Nhân sự của họ phần lớn là người trong gia đình. Thời gian đầu mới thành lập, nhiều DN siêu nhỏ hoạt động khá tốt và cũng có tầm nhìn chiến lược. Tuy nhiên, thời gian sau, có nhiều DN siêu nhỏ kiểu gia đình lại quen với cách làm cũ và ngại với cách làm mới vì sợ đảo lộn trật tự trong hoạt động doanh nghiệp và thiếu niềm tin khi thay đổi.
“Điều đáng nói, nhiều DN siêu nhỏ thường có quan điểm bảo thủ rằng khi đầu tư là muốn có ngay doanh số, sớm có lợi nhuận. Trong khi đó, việc đầu tư là phải tính đến dài hạn, thời gian thu hồi lại khá lâu, chưa chắc bảo đảm sớm có lợi nhuận. Chính vì vậy, các doanh nghiệp siêu nhỏ kiểu gia đình thường không mạnh dạn đột phá làm theo cách mới”, ông Thành nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, với nguồn lực mỏng, vốn hạn hẹp nhưng có những DN siêu nhỏ lại không có thói quen đi vay vốn ngân hàng vì sợ thiếu nợ. Hơn nữa, nếu đáp ứng nhu cầu vay thì họ phải có bản kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất kinh doanh theo yêu cầu của phía ngân hàng. Ngoài ra, vấn đề công khai minh bạch sổ sách chứng từ là điều mà nhiều DN gia đình không muốn.
“Vì vậy, việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, nâng tầm quy mô đối với các DN siêu nhỏ vẫn còn hạn chế lớn. Kết quả là, các DN này rơi vào vòng luẩn quẩn vì tầm nhìn nhỏ nên cứ bé mãi. Không vay vốn nên DN siêu nhỏ không có công nghệ mới, phương tiện thiết bị cũ kỹ, quy trình làm việc cũng cũ, công thêm việc ít chịu khám phá thị trường mới, khách hàng mới. Trong khi đó, chính bản thân DN siêu nhỏ còn chủ quan không biết rằng DN mình đang chịu áp lực cạnh tranh dữ dội từ rất nhiều đối thủ tiềm tàng có thể đe doạ sự tồn tại của họ trong tương lai”, ông Thành nói.