Tháng 10/2019, có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, trong đó 9.349 tỷ đồng thuộc về các công ty bất động sản. Ảnh: Tường Lâm |
Báo cáo thị trường trái phiếu mới nhất của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tính riêng tháng 10/2019 có 17.071 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành, nhưng chủ thể phát hành nhiều không phải là các ngân hàng thương mại mà thuộc về các công ty bất động sản (BĐS) với 9.349 tỷ đồng trái phiếu được phát hành.
Trong đó, riêng Công ty TNHH Vinametric - chủ sở hữu của Khách sạn Saigon Prince Hotel phát hành tổng cộng 3.705 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất thả nổi, kỳ trả lãi 6 tháng. Đứng thứ 2 là Công ty CP Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Saigon) phát hành 1.850 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 11%/năm. “Đáng lưu ý, tại báo cáo tài chính quý III/2019, Land Saigon ghi nhận lỗ 14,2 tỷ đồng, hệ số nợ/tổng tài sản lên tới 69%, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm nên việc phát hành thêm lượng lớn trái phiếu là khá rủi ro”, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nêu quan điểm.
Về lãi suất, lãi suất phát hành TPDN của các nhóm đều tăng lên, trong đó nhóm BĐS có mức lãi suất bình quân tháng 10 là 10,5%, cao hơn nhiều so với mức 9,6% của tháng 9. “Cá biệt có lô phát hành hơn 1.400 tỷ đồng trái phiếu 5 năm của Công ty CP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng có mức lãi suất đáng kinh ngạc, lên tới 20%/năm do ACBS thu xếp phát hành”, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhấn mạnh.
Bình luận về chuyện lãi - lỗ trong hoạt động của của các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HOREA) nói: “Trước đây việc phát hành khắt khe hơn, theo đó, các doanh nghiệp phải có lãi ở năm liền kề mới đủ điều kiện phát hành. Từ khi Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực, điều kiện này không còn. Đây là quy định đúng theo thị trường và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Bởi vì, có thể doanh nghiệp lỗ 100 triệu đồng cũng bị coi là lỗ và không được phát hành TPDN là oan. Hoặc có trường hợp tình trạng lỗ là thuộc kế hoạch kinh doanh trung và dài hạn nên việc phát hành TPDN để tạo vòng quay vốn là bình thưởng”.
Tuy nhiên, ông Châu cho rằng, thị trường TPDN đang có một số vấn đề đáng quan ngại. Về lãi suất, trước khi có sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp BĐS, lãi suất TPDN chỉ khoảng dưới 8%. Sau khi các doanh nghiệp BĐS tham gia, lãi suất trên thị trường vọt lên 14% và 20%.
“So sánh với lãi suất và điều kiện vay vốn từ ngân hàng, lãi suất trái phiếu DN BĐS ở mức 14 - 20% không hẳn là quá khủng nếu doanh nghiệp cần vốn khẩn cấp trong thời hạn ngắn. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn mà lãi suất đẩy lên đến 20% là cần xem xét”, ông Châu nhấn mạnh.
Về nhà đầu tư, vị Chủ tịch HOREA phân tích, tỷ lệ các nhà đầu tư cá nhân tham gia đã tăng lên khoảng 7% trong khi trước đó đây là sân chơi chủ yếu của các nhà đầu tư tổ chức. “Không hẳn là các nhà đầu tư cá nhân là không có nghề nhưng quan sát trên thị trường cho thấy, nhiều người đang đầu tư theo đám đông. Đó thực sự là rủi ro”, ông Châu lưu ý.
Từ những bất cập đó, ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về việc phải có nghiên cứu để đánh giá một cách thực chất về hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong thời gian qua.
Theo đó, cần xem lại hành lang pháp lý để vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm kênh huy động vốn hiệu quả lại vừa đặt ra các tiêu chí, chẳng hạn: hệ số tín nhiệm, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên số vốn huy động để tránh tình trạng vốn mỏng, hay rủi ro về tính khả thi của dự án cần huy động vốn.
“Trước mắt, khi chưa bổ sung các điều kiện phát hành cần thiết, các cơ quan chức năng không chỉ cảnh báo nhà đầu tư mà nên chú trọng giám sát hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp và cả hoạt động bảo lãnh phát hành trái phiếu của các tổ chức để có thể ngăn chặn các rủi ro cho cả thị trường”, ông Châu khuyến nghị.