Doanh nghiệp hiến kế khôi phục và kích thích phát triển kinh tế hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không chỉ mong muốn lắng nghe tiếng nói của cuộc sống từ cộng đồng doanh nghiệp, tại Hội nghị thăm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam ngày 7/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn "đặt hàng" cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế hậu Covid-19.
Doanh nghiệp hiến kế khôi phục và kích thích phát triển kinh tế hậu Covid-19

Tại Hội nghị, đa số doanh nghiệp đều đánh giá cao sự nỗ lực và tính kịp thời của Quốc hội trong việc ban hành Nghị quyết số 30 ngày 28/7/2021. Đây là sáng kiến lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó đề ra những biện pháp đặc biệt, đặc thù, đặc cách, tạo cơ sở pháp lý, tăng tính chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các địa phương trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Nghị quyết số 30 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành các chính sách, giải pháp đặc biệt để ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cũng đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế chính sách pháp luật hiện hành nhằm tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Chẳng hạn như đưa Dự án Sửa đổi Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để có thể thông qua vào năm 2023; xem xét Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật, gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự…

Trong đó, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về phương thức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), nhằm “bịt kín các lỗ hổng” để có thể sớm tái khởi động lại phương thức xã hội hóa đầu tư này trong thời gian tới.

Một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm là công tác phòng, chống dịch Covid-19, và sự chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Theo ông Phạm Tấn Công, Quốc hội cần xem xét việc nâng trần nợ công quốc gia để tăng quy mô các gói hỗ trợ ứng phó với Covid-19; nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá; đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng.

“Nhìn dòng người ồ ạt rút khỏi TP.HCM và các trung tâm kinh tế phía Nam có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn 6 tháng tới. Vì vậy, cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp”, đại diện VCCI nhấn mạnh.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV kiến nghị Quốc hội sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử, để bổ sung thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005 không còn phù hợp với tốc độ phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu hướng số hóa thịnh hành hiện nay. Đồng thời, xem xét luật hóa Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (hết hiệu lực vào tháng 8/2022); ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu do tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới của các ngân hàng.

Dịch bệnh cũng khiến cho doanh thu của các doanh nghiệp vận tải giảm tới 70%, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa. Do đó, ông Đặng Thế Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP. Hải Phòng đề xuất, giảm thuế giá trị gia tăng về 5% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải; giảm 3 - 5% lãi suất/năm cho vay và cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ; tạm dừng đóng và được nợ tiền BHXH hết năm 2021 mà không tính lãi phạt nộp chậm; nợ phí bảo trì đường bộ hết năm 2021; miễn giảm phí dịch vụ với xe đưa đón tại cảng hàng không; tăng thời hạn kiểm định và niên hạn sử dụng với các xe kinh doanh vận tải để bù đắp 2 năm “nằm đắp chiếu” vì giãn cách xã hội; lùi thời hạn lắp camera theo quy định (ngày 1/7/2021) đến 31/12/2022…

“Trong nhận thức của cộng đồng của doanh nghiệp là Đảng và Nhà nước đã đưa ra định hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, điều này tức là mở ra cơ chế sống chung với Covid-19. Nhưng thực tế, cách chống dịch của các địa phương vẫn chưa đồng bộ, chưa sẵn sàng. Ví dụ, 10 tỉnh mở cửa cho hàng không hoạt động nhưng Quảng Ninh, Hà Nội... không mở thì không thể làm cho chủ trương mở cửa có hiệu lực được. Do đó, Quốc hội cần có cơ chế giám sát việc thực hiện mở cửa thống nhất và đồng bộ, giúp doanh nghiệp nối lại sự đứt gãy, có khả năng phục hồi tốt nhất”, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch HĐTV Deloite Việt Nam đề nghị.

Ghi nhận những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội cho biết, những vấn đề tồn tại nêu trên đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận diện để đưa vào kế hoạch xây dựng pháp luật trong thời gian tới. Sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh chính sách tiền tệ và tài khóa với liệu lượng và thời điểm phù hợp để khôi phục và kích thích phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn trực tiếp "đặt hàng" với VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp hiến kế cho chiến lược tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề