Doanh nghiệp chật vật vận chuyển hàng hóa mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sự thiếu thống nhất, không đồng bộ cũng như cứng nhắc trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 giữa các địa phương đang khiến doanh nghiệp (DN) gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa.
Tình trạng ùn tắc phương tiện chở hàng hóa vẫn diễn ra trên các tuyến đường quốc lộ. Ảnh: Như Nguyện
Tình trạng ùn tắc phương tiện chở hàng hóa vẫn diễn ra trên các tuyến đường quốc lộ. Ảnh: Như Nguyện

Đình trệ chuỗi cung ứng

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam cho biết, hiện việc vận chuyển hàng hóa của DN vận tải gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là đình trệ. Nguyên nhân chính, theo ông Minh, là do sự thiếu thống nhất, mỗi địa phương một kiểu trong áp dụng các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

“Chẳng hạn, khái niệm hàng hóa thiết yếu dù đã được cơ quan chức năng quy định từ năm ngoái, và Bộ Công Thương cũng chỉ rõ nhưng vẫn có một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ không nắm được quy định này nên lúng túng khi áp dụng…”, ông Minh nói.

Tại Tọa đàm “Tháo gỡ đình trệ cho vận tải hàng hóa do Covid-19” vừa diễn ra, ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam chia sẻ, trong thời gian qua, các địa phương áp dụng biện pháp phòng chống dịch bệnh đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến DN vận tải. Khó khăn lớn nhất là không có cơ quan nào đứng ra làm đầu mối, thống nhất các biện pháp phòng dịch. Ví dụ như trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, khi vào khu vực cửa khẩu phải xét nghiệm nhanh Covid-19, trong khi lái xe đã phải xét nghiệm RT-PCR khi vào Tỉnh.

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội trong khuôn khổ Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phản ánh, trên các tuyến đường quốc lộ vẫn diễn ra tình trạng ùn tắc về hàng hóa. Vấn đề này không phải do Covid-19, mà do sự phối hợp, hợp tác chưa tốt giữa các địa phương trong triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh. Sự khác biệt giữa các địa phương trong điều hành là cần thiết vì tình hình dịch bệnh ở mỗi địa phương khác nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt khiến DN tắc nghẽn lưu thông thì không được.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho biết, nhiều DN phản ánh là xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến tỉnh cuối cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu vì mỗi tỉnh mỗi quy định, gây khó khăn cho DN.

Cần giải pháp từ gốc

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, ngày 25/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký văn bản chỉ đạo về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19.

Văn bản yêu cầu các địa phương không thực hiện kiểm tra đối với phương tiện vận chuyển các mặt hàng thiết yếu trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, bảo đảm tuân thủ đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các địa phương cần tăng cường phối hợp, hợp tác trong triển khai biện pháp phòng chống dịch theo hướng áp dụng nguyên tắc công nhận lẫn nhau, công khai thông tin, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và minh bạch thông tin về biện pháp phòng chống dịch để tháo gỡ ách tắc trong vận chuyển hàng hóa.

Bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh bài học chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan, có nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn.

Từ phía DN vận tải, ông Lê Minh cho rằng, để giảm thiểu ách tắc, ùn ứ trong vận chuyển hàng hóa, những cán bộ ở các điểm “thông chốt” kiểm soát Covid-19 ở các cửa ngõ một mặt cần nắm vững các quy định của pháp luật về hàng hóa thiết yếu, mặt khác cũng phải linh hoạt trong việc tạo điều kiện cho DN lưu thông hàng hóa.

Theo ông Minh, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 vẫn là con người, còn phương tiện vận chuyển chỉ cần khử khuẩn. Việc cấp ưu tiên cho xe luồng xanh mà tài xế, người bốc dỡ, người giao hàng… mang theo virus thì nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.

“Cần bảo đảm an toàn cho lái xe cũng như bảo đảm an toàn trong công tác vận tải với việc nâng cao hướng dẫn, giám sát và kiểm tra việc chấp hành của tài xế, chứ không nên hạn chế phương tiện. Có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề, tránh vất vả và tốn kém cho DN”, ông Minh bày tỏ.

Để khắc phục khó khăn trước mắt, Công ty CP Kho vận Việt Nam đang vận chuyển hàng hóa theo hình thức “tiếp sức”, xe đi qua địa phương nào thì lái xe ở địa phương đó tiếp nhận vận chuyển nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch, dù chi phí tăng và phải huy động nhiều lao động.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề