Điểm mặt chiêu thức “cản chân” người tham gia đấu giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Yêu cầu đăng tải thông báo đấu giá tài sản (ĐGTS) trên trang thông tin điện tử về ĐGTS, trên báo in, truyền hình là một bước tiến lớn của Luật ĐGTS trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch. Tuy nhiên, nhiều tổ chức ĐGTS không thực hiện đúng quy định này. Ngoài ra, xuất hiện không ít chiêu thức nhằm hạn chế người tham gia đấu giá.
Tại cuộc bán đấu giá vật tư đường sắt tồn kho, tổ chức đấu giá tài sản yêu cầu người tham gia đấu giá phải có giấy xác nhận đã xem tài sản đấu giá tại 20 địa điểm. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Tại cuộc bán đấu giá vật tư đường sắt tồn kho, tổ chức đấu giá tài sản yêu cầu người tham gia đấu giá phải có giấy xác nhận đã xem tài sản đấu giá tại 20 địa điểm. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Mới đây, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, cơ quan hải quan của địa phương này phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô thực hiện bán đấu giá 2 tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, gồm phế liệu nhựa và phế liệu giấy với tổng giá khởi điểm hơn 7,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi khách hàng đến mua hồ sơ đấu giá, Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô lại từ chối bán vì “không đủ điều kiện tham gia đấu giá”. Điều kiện đó là có tên trong Danh sách tổ chức, cá nhân được cấp phép xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất (Danh sách được cấp phép) và còn hạn ngạch nhập khẩu phế liệu (nhựa, giấy). Mặc dù có Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo đảm môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được cơ quan có thẩm quyền cấp, nhưng doanh nghiệp này vẫn không đủ điều kiện tham gia đấu giá chỉ vì không có tên trong danh sách.

Theo một chuyên gia về đấu giá, còn nhiều chiêu thức khác mà các tổ chức ĐGTS thực hiện nhằm bưng bít thông tin, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá. Pháp luật về ĐGTS quy định, tổ chức ĐGTS phải thông báo công khai ít nhất 2 lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 2 ngày làm việc.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng quy định công khai thông báo ĐGTS của các tổ chức ĐGTS còn nhiều bất cập. Theo vị chuyên gia trên, các bất cập phát sinh từ quy định này là việc không chỉ rõ đăng trên báo in nào dẫn đến việc thông báo ĐGTS thay vì đăng trên tờ báo chuyên ngành về đấu thầu, đấu giá, lại đăng trên các báo ít độc giả, đăng tản mạn các đầu báo, đối tượng người đọc không phù hợp làm cho người tham gia đấu giá khó theo dõi. Việc thông báo ĐGTS trên báo hình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi phát trên các kênh học tiếng dân tộc cho người thiểu số, hoặc đăng vào các khung giờ ít người xem (24 giờ, 3 giờ đêm)…

Ngay cả khi thông tin ĐGTS được công khai, khách hàng có thể tiếp cận và mua hồ sơ đấu giá thì lại xuất hiện nhiều chiêu thức hạn chế người tham gia đấu giá thông qua các điều kiện khó thực hiện.

Đơn cử, tại cuộc bán đấu giá lô vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt tồn kho, trong quy chế đấu giá, tổ chức ĐGTS đưa ra yêu cầu khách hàng phải có giấy xác nhận đã xem tài sản đấu giá tại 20 địa điểm có tài sản đấu giá (nằm rải rác tại nhiều tỉnh, thành phố) chỉ trong 2 ngày làm việc.

Chuyên gia về đấu giá cho rằng, việc đưa ra yêu cầu bắt buộc người tham gia đấu giá phải đi xem tài sản là hạn chế người tham gia đấu giá, không đúng với quy định của pháp luật về đấu giá.

Chuyên đề