Dịch Covid-19 “cản” tiến độ nhiều dự án giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) diễn ra sáng 25/12/2021, lãnh đạo UBND, sở GTVT các địa phương cho biết, dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công, nhiều dự án chậm tiến độ và khó đẩy nhanh tốc độ giải ngân.
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải sáng 25/12/2021 - ảnh: Bích Thảo
Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải sáng 25/12/2021 - ảnh: Bích Thảo

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các dự án giao thông lớn đang triển khai trên địa bàn TP.HCM gặp khó khăn về vận chuyển các loại vật liệu. Do thực hiện giãn cách dài ngày nên thiếu trầm trọng nhân công, vật liệu ở nhiều dự án. Giá nguyên vật liệu tăng cao đột biến. Các dự án xây dựng tuyến metro số 1, số 2 và tuyến BRT bị ảnh hưởng tiến độ trầm trọng do các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang Việt Nam theo kế hoạch. Việc lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, thực hiện hợp đồng... gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công hầu hết các dự án đang triển khai trên địa bàn TP.HCM. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng do các quận, huyện thực hiện chậm (do ảnh hưởng của dịch Covid-19) dẫn đến phải tạm dừng thi công, không thể giải ngân kế hoạch vốn đã giao; công tác chỉ đạo, điều hành bị ảnh hưởng do phải dành nhiều thời gian giải quyết các nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trên diện rộng và khá nghiêm trọng đến các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là trong 2 tháng Hà Nội thực hiện giãn cách. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực vượt khó, một số công trình giao thông lớn trên địa bàn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng như 6 nhánh lên xuống cầu cạn Vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long); nút giao Vành đai 3 với cao tốc Nội Bài - Hải Phòng...

Tại Hội nghị, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, TP. Hải Phòng, tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Hà Tĩnh đã nêu nhiều khó khăn trong việc thực hiện và giải ngân đầu tư các công trình trên địa bàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng, khan hiếm, thiếu hụt vật liệu, nhân công, giá cả vật liệu, nhiên liệu phục vụ thi công tăng cao...

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đánh giá, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương làm cho việc cung cấp vật tư, vật liệu gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa, vật liệu cần nhập khẩu. Nhiều dự án giao thông lớn không huy động được nhân lực để triển khai thi công do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố; công tác phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương chưa thống nhất, đồng bộ làm ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu xây dựng. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án giao thông. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công có tình trạng tư vấn khó tiếp cận hiện trường để khảo sát, thu thập số liệu; việc trình duyệt hồ sơ, trao đổi công việc bị hạn chế (khó khăn trong việc gửi văn bản, tài liệu đi/đến vùng đang có dịch); công nhân, cán bộ không an tâm làm việc tại vùng có dịch.

Bên cạnh đó, các dự án giao thông sử dụng vốn vay ODA cũng chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 do hầu hết các hoạt động đều gắn với yếu tố nước ngoài, từ nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, thống nhất với nhà tài trợ đối với từng hoạt động và kế hoạch của dự án; giá cả một số hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới biến động mạnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ghi nhận những nỗ lực của các địa phương, Bộ GTVT trong việc tháo gỡ khó khăn cho các công trình giao thông trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng, đạt kết quả giải ngân cao so với nhiều bộ, ngành và đạt tỷ lệ cao so với bình quân chung cả nước (giải ngân đến hết tháng 11/2021 ước đạt 71,5%, dự kiến hết tháng 1/2022 đạt trên 95%).

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng lưu ý Bộ GTVT cần phải cải thiện, đổi mới và có giải pháp để đẩy nhanh việc khởi công 12 dự án cao tốc trong giai đoạn 2021 - 2025, các dự án cảng hàng không, Dự án sân bay Long Thành... để đảm bảo mục tiêu đặt ra. Đây là những dự án đã sẵn nguồn lực, Bộ GTVT phải giải ngân đầu tư đúng tốc độ, đảm bảo chất lượng và việc hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, không để chậm trễ như các dự án giao thông lớn thời gian qua.

Chuyên đề