Cần ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo. Ảnh: Internet |
Bộ Tài chính xây dựng trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2021.
Trên cơ sở đó, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2021 làm căn cứ để xây dựng dự toán, phân bổ ngân sách cho các bộ, địa phương thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Bộ Tài chính, định mức chi thường xuyên NSNN năm 2021 sẽ đảm bảo nguồn thực hiện tiền lương 1.600.000 đồng/tháng và đảm bảo các chế độ chính sách do Trung ương ban hành; nâng định mức phân bổ theo tiêu chí dân số tăng 40% so với Quyết định 46/2016/QĐ-TTg, đồng thời ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo cao hơn Quyết định 46 đối với lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng, đảm bảo xã hội.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí phụ hoặc bỏ các tiêu chí phụ của từng lĩnh vực cho phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, đối với lĩnh vực chi giáo dục, tiêu chí bổ sung quy định tỷ lệ chi khác (không bao gồm tiền lương và các khoản chi con người) đảm bảo tối thiểu 18% tổng chi giáo dục, các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo tăng thêm 1% (tại Quyết định 46, tỷ lệ này là 18%).
Đối với lĩnh vực chi quản lý hành chính, tiêu chí bổ sung quy định tỷ lệ chi khác (không bao gồm tiền lương và các khoản chi con người) đảm bảo tối thiểu 25% tổng chi quản lý hành chính (Quyết định 46, tỷ lệ này là 25%).
Bên cạnh đó, sẽ sửa đổi phân vùng dân số nhằm thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Nghiên cứu xây dựng định mức phân bổ theo nhiệm vụ, kết hợp với phân bổ theo tiêu chí dân số đối với một số lĩnh vực chi (đảm bảo xã hội, khoa học và công nghệ...); tăng tỷ lệ phân bổ thêm theo định mức dân số so với định mức năm 2017 đối với các địa phương khó khăn hoặc có dân số thấp.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, chi tiêu của các địa phương thực hiện theo định mức phân bổ, gồm chi đầu tư và chi thường xuyên. Trong chi thường xuyên, tiêu chí quan trọng nhất cho các địa phương đó là trên cơ sở dân số (tính hệ số theo vùng miền, ưu tiên miền núi, vùng sâu vùng xa; vùng có dân số ít, diện tích lớn thì hệ số cao hơn).
Vừa qua, ở các địa phương, việc sắp xếp lại các cơ sở trường học (nhiều xã có 2 - 3 trường trung học cơ sở ghép thành 1 điểm trường), hay các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính..., sẽ góp phần giảm chi ngân sách. Số ngân sách dôi dư sẽ dành chi cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển và một phần dành nguồn cải cách tiền lương...
Việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2021, cùng với định mức chi đầu tư phát triển là cơ sở để Chính phủ trình Quốc hội dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới. Đây cũng là cơ sở để xác định tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương (nếu có).
Bộ Tài chính cho rằng, việc xây dựng định mức chi thường xuyên NSNN năm 2021 phải phù hợp với khả năng cân đối NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm, Kế hoạch tài chính 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) của cả nước. Đồng thời, phải thúc đẩy cơ cấu lại thu - chi NSNN và nợ công theo đúng các nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ; tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; thực hiện sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Trung ương...