Đề xuất miễn lệ phí môn bài với khởi sự kinh doanh

(BĐT) - Miễn lệ phí môn bài với tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình mới hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm đầu tiên.
 
Tổng chi phí khởi sự kinh doanh ở Việt Nam theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới là 3.050.000 đồng. Ảnh: Internet
Tổng chi phí khởi sự kinh doanh ở Việt Nam theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới là 3.050.000 đồng. Ảnh: Internet

Đây là nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định  số 139/2016/NĐ-CP ngày 4/10/2016 của Chính phủ quy định về lệ phí môn bài đang được Bộ Tài chính xây dựng.

Cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh

Dự thảo cũng đề xuất miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh. Nội dung này phù hợp với quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đào tạo công lập cũng được đề xuất miễn lệ phí môn bài. Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều công văn của các địa phương (Hà Nội, Quảng Trị, Kon Tum, Kiên Giang, Bắc Kạn...) đề nghị hướng dẫn vướng mắc về lệ phí môn bài đối với cơ sở giáo dục đào tạo công lập. Lý do, từ trước đến nay, các cơ sở giáo dục không phải nộp thuế môn bài do không hoạt động kinh doanh.

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập đang được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất (đất đai, nhà cửa) và hoạt động chủ yếu bằng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và một phần từ nguồn thu qua học phí theo quy định để thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ giáo dục cho xã hội.

Việc thu học phí (nay đã chuyển sang cơ chế giá) đều do Nhà nước quy định mức thu; các trường được áp dụng cơ chế đơn vị sự nghiệp công lập chủ yếu là nhằm mở cơ chế tự chủ và giảm bớt gánh nặng bao cấp cho Nhà nước chứ không phải là các trường học chuyển sang “kinh doanh” giáo dục.

Thực tế hiện nay, các địa phương chưa thực hiện thu lệ phí, vì vậy, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định “miễn lệ phí môn bài đối với các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở, tiểu học và mẫu giáo (bao gồm cả công lập và ngoài công lập)”.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cho biết, việc miễn lệ phí môn bài cũng nhằm mục đích cải thiện vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng Khởi sự kinh doanh theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới.

Tại Doing Business 2019, thủ tục Khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 104 trên tổng số 190 nền kinh tế, bao gồm 8 thủ tục thực hiện trong 17 ngày, trong đó có thủ tục nộp lệ phí môn bài (quy định tại Nghị định số 139/2016/NĐ-CP). Thủ tục này là một bước trong quy trình khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp, làm cho quy trình khởi sự kinh doanh ở nước ta bị tăng thêm 1 bước và cộng thêm 2.000.000 đồng lệ phí môn bài. Do đó, tổng chi phí khởi sự kinh doanh ở Việt Nam theo ghi nhận của Ngân hàng Thế giới là 3.050.000 đồng.

Nếu bỏ quy định này, quy trình khởi sự kinh doanh sẽ được giảm 1 bước với chi phí còn lại là 1.050.000 đồng, do đó sẽ có tác động đáng kể trong việc gia tăng điểm số, cải thiện thứ hạng của Việt Nam.

Giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 200 tỷ đồng

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2017, tổng số thu lệ phí môn bài là 2.004,6 tỷ đồng (tương đương với 1.314.483 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình), trong đó số thu lệ phí môn bài đối với số thành lập mới là 188 tỷ đồng (tương đương với 142.810 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới).

Năm 2018, tổng số thu lệ phí môn bài là 2.303,3 tỷ đồng (tương đương với 1.426.814 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình), trong đó số thu lệ phí môn bài đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới là 204,4 tỷ đồng (tương đương với 147.209 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thành lập mới).

Số thu này không bao gồm 37.300 tổ chức chuyển từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp nhỏ và vừa (tương đương khoảng 28% số lượng tổ chức khởi sự kinh doanh năm 2018). Đối tượng này đang được miễn lệ phí môn bài theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với đề xuất miễn lệ phí môn bài như trên, nếu số lượng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia khởi sự kinh doanh trong năm 2019 tương đương với năm 2018 thì dự kiến số thu ngân sách nhà nước từ lệ phí môn bài giảm khoảng 200 tỷ đồng.

Về cải cách thủ tục hành chính, theo Ban soạn thảo, chính sách lệ phí môn bài có tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp cũng như đời sống kinh tế - xã hội. Nếu quy định miễn lệ phí môn bài đối với trường hợp mới hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc mới thành lập cơ sở sản xuất kinh doanh trong năm tài chính đầu tiên thì sẽ giảm bớt thời gian và chi phí của người dân và doanh nghiệp.

Chuyên đề