Đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc phòng vệ thương mại; cách xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; áp dụng, rà soát biện pháp phòng vệ thương mại; trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra; các trường hợp miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, các nhà sản xuất trong một thị trường địa lý nhất định trên lãnh thổ Việt Nam có thể được coi là ngành sản xuất trong nước nếu thỏa mãn các điều kiện sau: Các nhà sản xuất trên thị trường địa lý đó bán toàn bộ hoặc hầu như toàn bộ hàng hoá họ sản xuất được trên thị trường đó; nhu cầu của thị trường địa lý đó không được đáp ứng một cách đáng kể bởi các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước nằm ở các thị trường địa lý khác.

Trong các trường hợp này, cơ quan điều tra vẫn có thể xác định thiệt hại ngay cả khi các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong nước nằm ở các thị trường địa lý khác không bị thiệt hại, nếu cơ quan điều tra xác định có tồn tại hành vi bán phá giá, trợ cấp chỉ diễn ra trên thị trường địa lý đó và gây thiệt hại cho toàn bộ hoặc hầu hết các nhà sản xuất trên thị trường đó.

Áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp

Dự thảo nêu rõ về áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời. Theo đó, việc áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời, mức thuế, thời hạn áp thuế và việc gia hạn thời gian áp thuế thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 81 của Luật Quản lý ngoại thương.

Thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời được áp dụng không sớm hơn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa bị điều tra vào Việt Nam yêu cầu gia hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời và khối lượng, số lượng hàng hoá bị điều tra của tổ chức, cá nhân xuất khẩu yêu cầu đó chiếm tỷ lệ đáng kể trong tổng khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Việt Nam, Cơ quan điều tra có thể gia hạn thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp tạm thời nhưng không quá 60 ngày.

Đối với áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức, dự thảo quy định, chậm nhất 15 ngày kể từ khi cơ quan điều tra gửi Kết luận điều tra cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành quyết định về vụ việc.

Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp chính thức gồm các nội dung sau đây: Mô tả hàng hoá nhập khẩu là đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp trong đó bao gồm tên gọi, các đặc tính cơ bản và mục đích sử dụng chính, mã số theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành và mức thuế nhập khẩu đang áp dụng; tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hoá là đối tượng bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp; tên nước, vùng lãnh thổ sản xuất, xuất khẩu hàng hoá bị áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp;

Kết luận điều tra cho thấy sự cần thiết phải áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp; mức thuế chống bán phá, mức thuế chống trợ cấp; hiệu lực và thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp; mức chênh lệch về thuế phải hoàn lại nếu có.

Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp có hiệu lực ít nhất sau 15 ngày kể từ ngày ban hành Quyết định.

Chuyên đề