Đề xuất 3 nhóm giải pháp đẩy mạnh thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV

(BĐT) - Dự thảo Báo cáo 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra lấy ý kiến.
Sau 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Ảnh: Lê Tiên
Sau 2 năm triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Ảnh: Lê Tiên

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, việc triển khai Luật Hỗ trợ DNNVV sau 2 năm là khá tích cực. Tuy nhiên, công tác hỗ trợ DNNVV vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Bộ KH&ĐT đề xuất 3 nhóm giải pháp để tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh triển khai Luật.

Trước tiên là chủ động phổ biến, hướng dẫn các nội dung của Luật để sớm đưa các chính sách hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống với việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan. Đơn cử, Bộ KH&ĐT chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV; nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong đó bổ sung chính sách ưu đãi về đấu thầu cho DN nhỏ và DN siêu nhỏ ở một số lĩnh vực… Bộ Tài chính chủ trì, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2020 việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ thuế thu nhập DNNVV được quy định tại Luật…

Thứ hai là ưu tiên bố trí nguồn lực, đẩy mạnh triển khai hiệu quả các nội dung, chương trình, đề án hỗ trợ DNNVV với việc kiến nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt “Chương trình hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025”; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Thứ ba là tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chính sách hỗ trợ DNNVV thông qua các sự kiện, hiệp hội doanh nghiệp, nhất là sự vào cuộc của chính quyền các cấp.       

Chuyên đề