Ý kiến trái chiều về trạm BOT cho đường tránh phía Tây Thanh Hóa

Cho rằng nhà đầu tư đề xuất đặt trạm BOT bất hợp lý, nhiều doanh nghiệp ở Thanh Hoá lên tiếng phản đối.

Dự án vành đai phía Tây (còn gọi là đường tránh phía Tây) thành phố Thanh Hóa được đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí hơn 1.000 tỉ đồng. Tuyến đường dài 6 km, điểm đầu giao với quốc lộ 1A tại phường Hàm Rồng, điểm cuối nối với đại lộ Đông Tây.

Điểm đầu tuyến tránh vành đai phía Tây TP Thanh Hoá giao cắt quốc lộ 1A có hai cây cầu dẫn vượt đường bộ và đường sắt Bắc Nam.

Sau hơn ba năm xây dựng, tuyến đường được đưa vào sử dụng cuối 2018. Đến đầu năm 2019, Công ty cổ phần BOT đường tránh Thanh Hóa thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải dự kiến phương án tiếp tục sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn nằm trên quốc lộ 1A (cách tuyến đường vành đai phía Tây khoảng 40 km), để hoàn vốn cho dự án trong thời gian 13 năm 8 tháng. Mức phí đối với xe con là 15.000 đồng mỗi lượt, phương tiện lớn hơn sẽ tăng tuỳ loại.

Lý giải về phương án tiếp tục sử dụng trạm thu phí Bỉm Sơn mà không đặt trạm BOT trên chính tuyến tránh phía Tây, chủ đầu tư và cơ quan chức năng cho rằng, việc đặt trạm thu phí trên đường tránh phía Tây để hoàn vốn là không khả thi. Bởi, theo hướng Bắc – Nam, các phương tiện có thể lựa chọn đi theo ba tuyến, quốc lộ 1A qua trung tâm TP Thanh Hóa, đi tuyến tránh phía Đông hoặc phía Tây. Do đó, nếu đặt trạm thu phí trên tuyến phía Tây thì phương tiện sẽ đi đường 1A và tuyến tránh phía Đông để tránh mất phí.

Ngoài ra, trên tuyến tránh phía Tây còn có 16 vị trí giao cắt nên tài xế có thể đi vào cung đường khác để "né trạm BOT".

Tuy nhiên, phương án đặt trạm BOT không đúng tuyến khiến nhiều người dân và doanh nghiệp vận tải ở Thanh Hoá không đồng tình.

Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Thanh Hoá Lê Xuân Long cho hay, sau khi nhận được văn bản tham gia ý kiến về phương án thu phí dịch vụ sử dụng tuyến đường tránh phía Tây, nhiều doanh nghiệp vận tải đã phản ứng dữ dội. "Giá thu cước và vị trí đặt trạm của chủ đầu tư là bất hợp lý", ông Long nêu quan điểm. Ông cho hay, để tránh tình trạng va chạm, tranh chấp giữa chủ phương tiện và nhà đầu tư, gây mất an ninh trật tự như nhiều trạm thu phí khác trên toàn quốc, cơ quan chức năng cần đánh giá lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Tuyến đường vành đai phía Tây TP Thanh Hoá hiện có mật giao thông thưa thớt.

Chung ý kiến, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hoá nói, việc chủ đầu tư dự kiến đặt trạm BOT tại Bỉm Sơn sẽ ảnh hưởng không chỉ hàng nghìn doanh nghiệp trong tỉnh mà cả toàn quốc. "Việc đặt trạm thu phí BOT phải hợp lý và đúng pháp luật. Anh làm đường A thì phải thu ở đường A chứ không thể đưa sang đường B thu phí được. Không thể thi công trên miền núi mà lại đưa xuống đồng bằng móc túi người dân", ông Đệ ví von.

Theo ông, doanh nghiệp sử dụng đường nào thì chỉ đóng phí cho cung đường đó, Hiệp hội sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp nếu trạm BOT đặt ở Bỉm Sơn.

Ngày 6/3, ông Nguyễn Văn Việt, Phó phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa cho biết, vừa qua Sở đã phát văn bản xin ý kiến các ngành, địa phương và doanh nghiệp về phương án thu phí hoàn vốn tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hoá và "hầu hết các đơn vị đều không đồng thuận". Ông cho hay, sắp tới UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về thực trạng này để tìm hướng giải quyết.

Chuyên đề