Vì sao dự án thu phí tự động không dừng “vỡ trận”?

(BĐT) - Tính đến thời điểm hiện tại, việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng gần như “vỡ trận” do gặp phải hàng loạt vướng mắc, khó khăn không dễ giải quyết sớm. 
Vẫn còn vướng mắc trong đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Ảnh: Tường Lâm
Vẫn còn vướng mắc trong đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Ảnh: Tường Lâm

Một nguyên nhân chính được chỉ ra là cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các đơn vị thực hiện đã không lường trước được những vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Trúng thầu 6 tháng vẫn chưa triển khai

Như Báo Đấu thầu đã đưa tin, cuối tháng 5/2019, Tổng cục Đường bộ (cơ quan nhà nước có thẩm quyền) đã có quyết định phê duyệt Liên danh gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội, Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietinf, Công ty CP Thương mại dịch vụ viễn thông Việt Vương, Công ty CP Công nghệ Tiên Phong (Liên danh Viettel - Vietinf - VVT - ITD) là nhà đầu tư trúng thầu Dự án Thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng giai đoạn 2 theo loại hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt gần 1.752 tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư của Dự án (sau đấu thầu) tạm tính gần 1.228 tỷ đồng (bao gồm cả dự phòng); tổng giá dịch vụ của Dự án hơn 9.686 tỷ đồng (bao gồm thuế VAT).

Ngày 5/7/2019, đại diện Tổng cục Đường bộ và Liên danh nhà đầu tư trúng thầu đã ký kết Hợp đồng dự án và dự kiến hoàn thành việc đầu tư, lắp đặt hệ thống thu phí trong năm 2019, đảm bảo lộ trình đến năm 2020 sẽ triển khai đồng bộ dịch vụ thu phí không dừng giai đoạn 2 của Dự án.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đến nay, Liên danh nhà đầu tư trúng thầu vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định, dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo như thiết kế bản vẽ thi công, ký hợp đồng tín dụng, thi công lắp đặt thiết bị… Trong quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án, tư cách pháp nhân của Viettel đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu cũng như quy định pháp luật, đã được Bộ Quốc phòng (cơ quan chủ quản) chấp thuận chủ trương cho phép Viettel tham gia đấu thầu thực hiện Dự án. Nhưng sau khi trúng thầu, để Viettel có thể thành lập doanh nghiệp, cần phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương. Đến nay, đã 6 tháng trôi qua, thủ tục để Viettel thành lập doanh nghiệp dự án chưa hoàn thành. Do vậy, hiện Dự án vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo.

Bộ GTVT cũng cho biết, việc chậm thành lập doanh nghiệp dự án của Viettel dẫn đến chậm triển khai việc lắp đặt trạm thu phí tự động không dừng, không phải lỗi của nhà đầu tư BOT giao thông, nên Bộ GTVT không đủ cơ sở dừng thu phí các trạm không kịp triển khai thu phí không dừng trước ngày 31/12/2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Vẫn vướng ma trận khó khăn

Hiện nay, để có thể đưa vào vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng thì cần phải áp dụng đồng bộ 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc (gồm 82 trạm trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc). Tuy nhiên, hiện tiến độ triển khai thu phí không dừng tại các dự án do VEC (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) quản lý vẫn gặp nhiều vướng mắc do thiếu nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị thu phí không dừng, vướng mắc trong quá trình đàm phán tỷ lệ trích doanh thu giữa VEC và đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng; VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong khi phân cấp, phân quyền giữa Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ ràng…

Bên cạnh đó, số lượng phương tiện dán thẻ và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia hệ thống thu phí tự động không dừng chưa cao (đạt khoảng 800.000 thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ thu phí không dừng); chưa có chế tài bắt buộc các phương tiện chưa dán thẻ không được đi qua làn thu phí tự động không dừng…

Đối với các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, quá trình triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng gặp khó khăn do quy định về lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phải thực hiện theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg. Các địa phương cho rằng, việc giao các địa phương tổ chức lập dự án thu phí tự động không dừng và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ là khó thực hiện do số lượng trạm thu phí mà địa phương quản lý rất ít. Nếu lựa chọn 1 đơn vị cung cấp dịch vụ độc lập sẽ không khả thi, lãng phí và thời gian triển khai sẽ kéo dài dẫn đến chậm so với tiến độ yêu cầu.

Để giải quyết khó khăn này, mới đây Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các địa phương được lựa chọn ngay các nhà cung cấp dịch vụ do Bộ này đã chọn để triển khai thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí do địa phương quản lý.

Chuyên đề