Vì sao các dự án đường sắt đô thị chậm tiến độ?

(BĐT) - Hiện ngành giao thông vận tải (GTVT) đang triển khai thực hiện 5 dự án đường sắt đô thị với tổng mức đầu tư 168.244,2 tỷ đồng. Do vướng mắc trong điều chỉnh tổng mức đầu tư, chưa có kinh nghiệm áp dụng công nghệ xây dựng phức tạp, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam..., một số dự án bị chậm tiến độ.
Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới chỉ thực hiện trên 46% khối lượng công việc. Ảnh: Tường Lâm
Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội mới chỉ thực hiện trên 46% khối lượng công việc. Ảnh: Tường Lâm

2 dự án tại TP.HCM khúc mắc về vốn

Theo báo cáo của Bộ GTVT, đến nay, giá trị sản lượng Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên đạt 56,9%. Dự án này đã triển khai 4 trong số 5 gói thầu xây lắp và thiết bị. Gói thầu 1a thực hiện đạt 50% khối lượng; Gói thầu 1b đạt 66,6%, Gói thầu số 2 đạt 77,5% và Gói thầu số 3 đạt 32%. Gói thầu 4 Hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng Công ty vận hành dự kiến triển khai thiết kế kỹ thuật đầu năm 2019.

Dự án được khởi công từ tháng 8/2012, dự kiến hoàn thành trong năm 2020 nhưng chưa được ghi kế hoạch vốn năm 2018 vì đang thực hiện thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư. Hiện đang thanh toán từ vốn tạm ứng ngân sách TP.HCM 1.000 tỷ đồng trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Dự án cũng đang trong thời gian xin ý kiến Ban Cán sự Đảng Chính phủ về điều chỉnh tổng mức đầu tư tuyến số 1 và tuyến số 2.

Hiệp định vay số 2 của Dự án sẽ hết hạn vào ngày 31/10/2018. Do Dự án không được ghi vốn nên việc giải ngân số vốn còn lại của Hiệp định vay là khó thực hiện. Mặt khác, giá trị vay lại hiện chưa được xác định do chưa thống nhất ý kiến giữa Bộ Tài chính và Bộ GTVT về giá trị vay lại. Để giải quyết vấn đề trong khi chờ Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh Dự án, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giải quyết tạm ứng vốn cho Thành phố để tiếp tục triển khai Dự án và đảm bảo việc thanh toán cho các nhà thầu.

Đối với tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương, dự án này được khởi công tháng 8/2010, dự kiến điều chỉnh hoàn thành trong năm 2024. Dự án có 9 gói thầu, trong đó Gói thầu CP1 (xây dựng tòa nhà văn phòng, khu Depot) đang nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, các gói thầu còn lại đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên, các gói thầu chưa thể triển khai do đang vướng mắc về việc điều chỉnh Dự án và nguồn vốn cho Dự án. Mặt khác, chính sách giải phóng mặt bằng (GPMB) của nhà tài trợ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn chưa thống nhất với chủ đầu tư. UBND TP.HCM đang làm việc với ADB để thống nhất áp dụng cơ chế Việt Nam. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với ADB về chính sách GPMB, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở triển khai thực hiện. 

Các dự án tại Hà Nội cũng còn nhiều vướng mắc

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 96% khối lượng xây lắp. Riêng vật tư, thiết bị đã chuyển về đến công trường đạt khoảng 95% và lắp đặt đạt 83% khối lượng thiết bị. Còn một số hạng mục đang tiếp tục triển khai thi công gồm: cảnh quan ga Cát Linh, cầu thang lên xuống, lắp đặt lan can kính các nhà ga, kiến trúc khu Depot… Dự án đã vận hành, chạy thử các đoàn tàu ngày 20/9/2018 để tiến tới chạy khai thác thương mại.

Để thúc đẩy Dự án, Bộ GTVT cần làm việc với các cơ quan phía Trung Quốc để thúc đẩy chỉ đạo tới tổng thầu nhằm tăng cường nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục còn lại của Dự án; đẩy nhanh công tác hoàn thiện hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công; hồ sơ hoàn công; hồ sơ thanh toán khối lượng hoàn thành để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn của Dự án.

Dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) được khởi công tháng 9/2010, dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, tổng khối lượng Dự án mới chỉ đạt trên 46% (5 gói thầu xây lắp và 4 gói thầu thiết bị) và dự kiến kéo dài đến cuối năm 2022. Cụ thể, đối với 5 gói thầu xây lắp, Gói CP1 hoàn thành 93,56%; Gói CP2 là 52,84%; Gói CP3 là 1,61%; Gói CP4 đang chuẩn bị thanh lý hợp đồng; Gói CP5 là 50,59%. Với 4 gói thầu thiết bị, Gói CP6 đã thực hiện được 7,2%; Gói CP7 thực hiện 18,1%; Gói CP8 là 9,8%. Hiện, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản 4255/UBND-KH&ĐT ngày 14/9/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Đối với Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), khó khăn chính của Dự án hiện nay là bố trí nguồn vốn cho công tác GPMB chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm bố trí nguồn vốn cho công tác GPMB để triển khai Dự án.

Chuyên đề