Vi phạm trật tự xây dựng chủ yếu do thực thi không nghiêm

(BĐT) - Theo nhiều đại biểu Quốc hội, việc để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu xuất phát từ việc thực thi không nghiêm chứ không phải do thiếu quy định của pháp luật. Do đó, nhiều ý kiến không tán thành việc bổ sung quy định quản lý trật tự xây dựng vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Dự thảo Luật).
Tình trạng lúng túng và chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn khá phổ biến. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng lúng túng và chậm xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn khá phổ biến. Ảnh: Lê Tiên

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Xây dựng năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 đã xác lập các quy định để điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới, Luật Xây dựng năm 2014 đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó cần bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng.

Theo đó, Điều 89 Dự thảo Luật bổ sung quy định: Việc thi công xây dựng công trình phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, tuân thủ thiết kế xây dựng, giấy phép xây dựng được cấp (nếu có) và phải được quản lý để đảm bảo trật tự xây dựng. Cơ quan quản lý trật tự xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo quy định.

Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định này chưa được Chính phủ báo cáo tổng kết thi hành cụ thể và thuyết phục. “Những bất cập, hạn chế trong quá trình quản lý trật tự xây dựng phần lớn là do nguyên nhân thiếu kỷ luật, kỷ cương trong quá trình tổ chức thực hiện. Luật Xây dựng hiện hành về cơ bản đã có các quy định về quản lý trật tự xây dựng. Vì vậy, Ủy ban đề nghị cân nhắc, nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung các quy định này sao cho phù hợp”.

Quan điểm này của cơ quan thẩm tra nhận được không ít ý kiến đồng thuận của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Lê Quang Huy (đoàn Nghệ An) cho rằng, chế định thực thi quản lý trật tự xây dựng đã có, nhưng thực tế là có những quy định bị làm sai (như điều chỉnh quy hoạch cục bộ)… Do đó, trách nhiệm ở đây là chủ thể thực hiện công tác quản lý, kiểm soát trật tự xây dựng. Nhưng nếu bổ sung trong Chương V của Dự thảo Luật thì không nên, vì nội dung này nằm trong cả Luật Quy hoạch và Luật Xử phạt vi phạm hành chính. “Khi cử tri bức xúc vì tình trạng này thì cần xem lại công tác thực thi vì sửa Luật cũng chỉ đến vậy thôi”, ông Huy nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định rõ quan điểm không tán thành bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng theo Dự thảo Luật, bởi báo cáo tổng kết thực hiện Luật Xây dựng của Chính phủ về vấn đề này chưa được thuyết phục, cần báo cáo thêm về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, phạm vi thanh tra đến mức nào để không chồng chéo.

“Dư luận, báo chí có nêu tình trạng trưởng đoàn thanh tra xây dựng nhận hối lộ bị bắt quả tang, nhưng đến giờ này không thấy xử lý gì. Như vậy, vi phạm trật tự xây dựng không phải do thiếu quy định pháp luật”, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.

Đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, quan điểm của Luật là quản lý chặt nhưng phải đảm bảo thông thoáng để thực hiện công trình, dự án nhanh hơn. Việc “thiết kế” các quy định về quản lý trật tự xây dựng như thời gian qua là chặt nhưng thực ra lại lỏng. Ông Hồ Đức Phớc cho rằng, những công trình thuộc chuyên ngành nào thì chuyên ngành đó chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra để tránh việc thanh tra, kiểm toán chồng chéo. Trên thực tế, thanh tra xây dựng gần như dự án nào cũng vào, ngoài kiểm tra được cấp phép thì còn kiểm tra thực hiện đúng quy hoạch, kiểm soát thực hiện toàn bộ dự án…

Theo Chương trình Kỳ họp, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng sẽ được Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày 27/11/2019.

Chuyên đề