Vân Đồn: Từ khu kinh tế hướng tới đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Vân Đồn (Quảng Ninh) được Bộ Chính trị đồng ý cho thành lập là 1 trong 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trực thuộc cấp tỉnh. Vậy Vân Đồn nói riêng có tiềm năng nào đáp ứng được chủ trương này?
Phối cảnh Khu kinh tế Vân Đồn. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Phối cảnh Khu kinh tế Vân Đồn. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Ngày 17/3/2017, Bộ Chính trị đã có kết luận “đồng ý cho thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh, nhằm khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới, tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước. Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định”.

Tận dụng được lợi thế theo hướng mở

Huyện đảo Vân Đồn nằm trên tuyến đường trung chuyển chiến lược từ khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc; nằm trong khu vực hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" kinh tế Việt - Trung; hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng.

Đồng thời, Vân Đồn cũng nằm trong quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong chuỗi đô thị quan trọng của vùng Đồng bằng sông Hồng, với Tây Bắc qua Lạng Sơn, với phía nam Trung Quốc (Quảng Tây, Quảng Đông). Do đó, có khả năng tiếp cận nhanh và phát triển quan hệ với các trung tâm chính trị, kinh tế lớn của vùng và khu vực.

Đặc biệt, Vân Đồn có sân bay quốc tế chỉ cách các trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch trong khu vực từ 4 - 5 giờ bay nên thuận lợi cho phát triển du lịch và thương mại quốc tế.

Vân Đồn còn nằm trong hệ thống cụm cảng quốc tế Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc). Đặc biệt, cảng biển tổng hợp Hòn Nét có độ sâu 21 m, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 150.000 DTW.

Ngoài lĩnh vực kinh tế, các đặc điểm trên còn rất thuận lợi cho việc tổ chức các tour du lịch đường biển.

Chính vì vậy, Vân Đồn được đánh giá là khu kinh tế ven biển có vị trí kinh tế, chính trị chiến lược quan trọng đối với trong nước và quốc tế; được đặt trong quy hoạch phát triển liên hoàn quốc gia; hội tụ đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng hạ tầng chiến lược và phát triển kinh tế hướng ngoại, độ mở cao; có thể tận dụng được lợi thế bên trong và ưu thế bên ngoài để phát triển, góp phần lan toả cho vùng và cả nước.

Ngoài những thế mạnh nêu trên, Vân Đồn còn được vịnh Bái Tử Long bao bọc, gắn với Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà (Hải Phòng). Thiên nhiên nơi đây cũng có nhiều giá trị khác biệt về cảnh quan, sinh thái với vùng biển rộng, nhiều bãi biển tự nhiên đẹp và hoang sơ,  môi trường trong lành, chưa bị con người tác động nhiều, cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa, đây cũng là địa bàn có tiềm năng phát triển du lịch - dịch vụ mạnh mẽ.

Vị trí huyện đảo Vân Đồn. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Các tiền đề cho Vân Đồn phát triển

Hiện tại, Vân Đồn đã và đang nhận được sự ủng hộ của Trung ương, các bộ, ban, ngành cũng như sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2016, Chính phủ đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc trực thuộc tỉnh. Theo đó, định hướng mỗi đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt lựa chọn phát triển thế mạnh riêng có, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi đơn vị, tạo động lực phát triển mới, bảo đảm phân bổ nguồn lực theo vùng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi cả nước.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh ngày 22/12/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Khu kinh tế hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn – mà Chính phủ đã thông qua chủ trương xây dựng - phải giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn, gồm thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Phải coi đây là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để phát triển.

Ngày 22/3/2017, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 21-TB/TW, trong đó có chủ trương lựa chọn Vân Đồn để xây dựng thử nghiệm mô hình đặc biệt, tạo nên khu vực phát triển, làm động lực thúc đẩy nền kinh tế cả nước phát triển.

Ngày 13/4/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nghe tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả triển khai xây dựng Đề án Khu Hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Phó Thủ tướng cho biết thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt vào chương trình xây dựng luật năm 2017 và dự án sẽ trình trong kỳ họp cuối năm của Quốc hội.

Về phía Quốc hội, ngày 11/9/2017, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Vân Đồn: Từ khu kinh tế hướng tới đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ảnh 2

Thi công đường băng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Từ nghiên cứu kinh nghiệm của các đặc khu kinh tế trên thế giới và thực tiễn phát triển của tỉnh Quảng Ninh nói chung, khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, Quảng Ninh nhận thấy Vân Đồn đã cơ bản hội tụ đủ các điều kiện cần thiết để có thể xây dựng, phát triển thành công khu hành chính - kinh tế đặc biệt trên cơ sở Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn được phê duyệt, Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được thông qua.

Đề án Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn được tỉnh Quảng Ninh chuẩn bị từ năm 2012, với trên 50 hội nghị, hội thảo và các buổi làm việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học; tổ chức nhiều đoàn nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Trên cơ sở các chỉ đạo, định hướng của Trung ương và Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát và mời các đơn vị tư vấn, chuyên gia quy hoạch hàng đầu thế giới phối hợp với tỉnh nghiên cứu, đề xuất hướng phát triển của Vân Đồn theo mô hình Khu hành chính - kinh tế đặc biệt có tính liên kết vùng và đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, khả thi.

Đến nay, dự thảo Đề án thành lập Khu hành chính - kinh tế đặc biệt đã cơ bản hoàn thiện.

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải cạnh tranh được toàn cầu ở mức cao nhất và được quy định trong Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Vì vậy, phải xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Vân Đồn sẽ là nơi nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước; bảo đảm quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Việc phát triển Vân Đồn không xung đột lợi ích  với các đặc khu kinh tế khác như: Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hoà).

Chuyên đề