Vẫn còn “lỗ hổng” pháp lý trong đầu tư BOT

(BĐT) - Theo đánh giá mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), nguyên nhân của các hạn chế, vướng mắc trong đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT thời gian qua là do hình thức đầu tư này còn tương đối mới, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều. 
Trách nhiệm giữa các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện các khoản vay để đầu tư dự án BOT hiện chưa được quy định cụ thể. Ảnh: Lê Tiên
Trách nhiệm giữa các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện các khoản vay để đầu tư dự án BOT hiện chưa được quy định cụ thể. Ảnh: Lê Tiên

Đây cũng là nguyên nhân khiến các quy định pháp luật hiện vẫn chưa bao quát được đầy đủ các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện loại hợp đồng này.

Thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT đã được xây dựng và hoàn thiện về cơ bản. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện trên thực tế đã phát sinh một số vấn đề mới mà văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định để điều chỉnh. Cụ thể, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP (Nghị định 15) quy định khung pháp lý về nhiều hình thức hợp đồng cho các dự án PPP, trong đó có hình thức hợp đồng BOT, nhưng nghị định này lại chưa quy định về các dự án kết hợp nhiều hình thức hợp đồng như BOT kết hợp BT, BOT kết hợp BTO…

Cũng tại Nghị định 15, việc thẩm định vốn đối với các dự án PPP có sử dụng vốn nhà nước đã được quy định, tuy nhiên nội dung thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư lại chưa quy định tại nghị định này. Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư công, các dự án có sử dụng vốn đầu tư công, tùy thuộc vào phân nhóm dự án (nhóm A, nhóm B, nhóm C), sử dụng các nguồn vốn khác nhau thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cũng khác nhau. Tương tự, vấn đề về trách nhiệm, quyền, nghĩa vụ của cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng chưa được quy định trong nghị định này.

Bộ KH&ĐT cho biết, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm giữa các tổ chức tín dụng và các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi thực hiện các khoản vay để đầu tư dự án BOT. Đây là một khoảng trống pháp lý đang gây không ít khó khăn cho các bên liên quan khi triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng này. Theo quy định về tín dụng, các ngân hàng chỉ cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp vay vốn cho các dự án khi dự án có khả năng hoàn vốn. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện các nguyên tắc này, cá biệt có ngân hàng dựa vào thông tin xác nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của dự án, trong khi đây chỉ là bản xác nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư.

Báo cáo mới đây của Bộ KH&ĐT cho biết, việc lập danh mục dự án BOT và công bố danh mục dự án BOT từ năm 2011 đến nay chưa được thực hiện đầy đủ. Điều này làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng này.

Băn khoăn về tính minh bạch trong triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BOT là có cơ sở khi vì nhiều lý do khác nhau mà quá trình lựa chọn nhà đầu tư BOT thời gian qua chủ yếu thông qua hình thức chỉ định trực tiếp. Nhất là khi hầu hết các dự án BOT sau khi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đều không thực hiện việc công bố nhà đầu tư như quy định tại Khoản 2 Điều 40 Thông tư 03/2011/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT.

Việc triển khai dự án BOT thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư, còn việc giám sát trực tiếp thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo hợp đồng BOT đã ký. Mặc dù vậy, thực tế triển khai các dự án đã cho thấy nhiều bất cập trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, tính toán phương án tài chính giữa các bên liên quan.

Chuyên đề