Tuân thủ quy luật cạnh tranh khi làm dự án PPP

(BĐT) - Tại Diễn đàn Đối thoại hợp tác công - tư cấp địa phương diễn ra sáng ngày 11/10/2017 tại tỉnh Quảng Nam, nhiều chuyên gia và đại biểu cho rằng, để dự án PPP bền vững thì phải cân đối được khả năng chi trả của người dân, việc sửa đổi cơ chế, chính sách về PPP để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư cần tiếp cận từ quan điểm hoàn thiện thị trường.
Nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 là khoảng 130.000 tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 40%. Ảnh: Quốc Học
Nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng của tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 là khoảng 130.000 tỷ đồng, nhưng vốn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 40%. Ảnh: Quốc Học

Tạo lòng tin cho nhà đầu tư

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông, trong thực thi các dự án PPP, cơ quan nhà nước đều phải xác định rằng, đầu tư theo hình thức PPP là hướng tới sự hài hòa lợi ích/rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân. Theo đó, phải giảm bớt thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, tính giải trình của tất cả các bên có liên quan gồm các bộ, ngành, địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, tín dụng, các cơ quan thanh tra. Có như vậy, các cơ quan nhà nước và địa phương mới tạo được lòng tin cho nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn cho các dự án PPP.

Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng của Tỉnh đến năm 2020 khoảng 130.000 tỷ đồng. Khả năng đầu tư từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu về vốn; 60% còn lại phải huy động các nguồn lực từ bên ngoài. Để thu hút và tạo lòng tin cho nhà đầu tư thì Quảng Nam sẽ tự cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ tối đa các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư; linh hoạt nhất có thể nhưng không phải “xé rào” các quy định của Nhà nước khi thực hiện các ưu đãi với nhà đầu tư. Thực tế hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư đang gặp khó khăn vì bối rối trước các thủ tục hành chính kéo dài, phức tạp, chồng chéo, chỗ thì hướng dẫn chồng chéo, chỗ thì không hướng dẫn cụ thể, Quảng Nam xác định sẽ tạo ra cách làm khác biệt, thủ tục đầu tư thông thoáng để nhà đầu tư yên tâm theo đuổi các dự án PPP tại địa phương.

Tại Diễn đàn, đại diện từ các địa phương như Đà Nẵng, Bình Định, Thừa Thiên Huế cũng cho rằng, sự thành công hay thất bại của dự án PPP đều là trách nhiệm chung của các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư. Chính vì thế, trong suốt quá trình thực hiện dự án PPP, cần có sự đồng hành của các cơ quan liên quan với nhà đầu tư, kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư tự tin và yên tâm hơn khi theo đuổi các dự án PPP. 

Khắc phục thất bại của thị trường

Tại Diễn đàn, ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, trong quá trình thực hiện các quy định về PPP, tỉnh Quảng Nam gặp không ít khó khăn do thủ tục chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư kéo dài, khó khăn trong việc lựa chọn loại hợp đồng phù hợp với từng loại hình dự án PPP. Ông Bảo cũng bày tỏ băn khoăn đối với việc thực hiện dự án BT, trường hợp quỹ đất không đủ để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện các dự án BT thì có thể đề xuất thanh toán cho nhà đầu tư bằng hình thức khác hay không?

Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, đối với các dự án PPP cấp địa phương, tính chủ động của địa phương là rất lớn, quy trình nhanh hay chậm là do sự phối hợp giữa các cơ quan địa phương, không thuộc dự án quy mô lớn phải trình các cấp ở Trung ương. Ông Trương khẳng định, thời gian tới, việc sửa đổi các chính sách về PPP sẽ tạo điều kiện khắc phục các vướng mắc, chồng chéo quy định của pháp luật, quy định đơn giản hơn đối với phần năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư để phù hợp với thực tế, quy định mức hỗ trợ của Nhà nước về giải phóng mặt bằng sẽ áp dụng cho cả dự án do cơ quan nhà nước lập và cả những dự án do nhà đầu tư đề xuất. Dư địa làm PPP còn rất lớn, không chỉ các dự án giao thông mà các lĩnh vực khác cũng có thể làm PPP như: y tế (trạm y tế), cấp nước sinh hoạt... Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, để đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch của dự án PPP thì địa phương cần phải tuân thủ quy luật cạnh tranh để xác định giá dịch vụ công, đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư, tránh lạm dụng các trường hợp chỉ định nhà đầu tư...

Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho rằng, để khắc phục thất bại của thị trường thì cần minh bạch hóa sự tham gia của Nhà nước trong dự án PPP, bao gồm: vốn góp, nguồn vốn đầu tư công, vốn thanh toán, nguồn thu cung cấp dịch vụ công, vốn hỗ trợ giải phóng mặt bằng, công trình phụ trợ... Giá dịch vụ cần đảm bảo tính đúng, tính đủ, được công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá ngay tại báo cáo nghiên cứu khả thi. Trường hợp có khoảng trống giữa doanh thu theo khả năng chi trả của người dân với doanh thu cần thiết để đảm bảo hiệu quả đầu tư thì phải sử dụng nguồn lực của Nhà nước để tham gia. Điều này phải được công khai ngay trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu.

Chuyên đề