Trung tâm Trí tuệ nhân tạo hơn 4.000 tỷ tại Bình Định: Nhà đầu tư cần năng lực thế nào?

(BĐT) - Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định vừa  được công bố rộng rãi đến nhà đầu tư. Việc có nhiều nhà đầu tư tham gia, đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực và kinh nghiệm mà tỉnh Bình Định đưa ra hay không sẽ quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư Dự án.
Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định có tổng mức đầu tư 4.362 tỷ đồng. Ảnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư  tỉnh Bình Định
Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Bình Định có tổng mức đầu tư 4.362 tỷ đồng. Ảnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định

Dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bình Định công bố danh mục ngày 28/4/2020 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Theo quyết định phê duyệt danh mục dự án của UBND tỉnh Bình Định ký ban hành trước đó 1 ngày, Dự án có tổng mức đầu tư 4.362 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện Dự án là 3.900 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự án được thực hiện tại phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn. Quy mô đầu tư xây dựng khu đô thị mới trên phần diện tích đất 94 ha, bao gồm các công trình: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo (AI); Cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm; Khu nhà ở hiện đại, thông minh với khoảng 2.100 căn; xây dựng các công trình dịch vụ xã hội đô thị chất lượng cao... Tiến độ đầu tư là 8 năm kể từ ngày ký hợp đồng. Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm.

Dự án được phê duyệt và công bố danh mục dự án sau ngày 20/4/2020, vì thế sẽ thực hiện theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP (NĐ25). Theo đó, bước công bố danh mục dự án sẽ lồng ghép với đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư.

Tại Quyết định phê duyệt danh mục Dự án, một số yêu cầu sơ bộ đã được tỉnh Bình Định đưa ra. Việc tuyển chọn nhà đầu tư thông qua phương pháp chấm điểm, thang điểm đánh giá là 100 điểm.

Năng lực tài chính chấm tối đa 35 điểm, trong đó tiêu chí vốn chủ sở hữu có điểm tối đa 25 điểm, với mức vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải chứng minh là 655 tỷ đồng. Khả năng thu xếp vốn vay được chấm tối đa 10 điểm.

Kinh nghiệm của nhà đầu tư được chấm tối đa 50 điểm. Trong đó, yêu cầu nhà đầu tư có ít nhất 1 dự án có tính chất, lĩnh vực tương tự với dự án đang xét, bao gồm xây dựng công trình đô thị, khu đô thị mới, nhà ở thương mại, chung cư, công trình thương mại và dịch vụ tổ hợp đa năng có tích hợp công trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò trực tiếp sản xuất và góp vốn chủ sở hữu. Cùng với đó, vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò góp vốn hoặc vai trò chủ sở hữu phải đảm bảo phần giá trị vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu bằng 50% dự án đang xét. Nếu đáp ứng yêu cầu này được 25 điểm. Cũng với yêu cầu kinh nghiệm này nhưng dự án tương tự đã hoàn thành ít nhất 1 giai đoạn xây dựng thì được 50 điểm.

15 điểm còn lại được xem xét cho tiêu chí khác là nhà đầu tư có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, đã triển khai Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ, chuyên sâu trí tuệ nhân tạo (AI); khu phức hợp (có cơ sở sản xuất sản phẩm phần mềm) có diện tích lớn hơn hoặc bằng 94 ha...

Đến nay, thời gian để cho nhà đầu tư quan tâm đến Dự án, chuẩn bị hồ sơ  đăng ký vẫn còn khá nhiều, với hạn cuối là ngày 28/5/2020. Sau đó, theo kế hoạch, việc tổng hợp thông tin nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, báo cáo UBND tỉnh Bình Định kết quả đánh giá dự kiến từ ngày 30/5 - 6/6/2020. Như vậy, phải sau thời gian này mới có thể biết được Dự án được đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại NĐ25 hay thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Hiện cũng chưa rõ nhà đầu tư nào sẽ bước chân vào lĩnh vực này. Để tham gia được Dự án, nhà đầu tư sẽ không chỉ cần có kinh nghiệm xây dựng công trình đô thị, khu đô thị mới, nhà ở thương mại đơn thuần, mà phải “tích hợp công trình nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, sản xuất phần mềm mà nhà đầu tư đã tham gia với vai trò trực tiếp sản xuất và góp vốn chủ sở hữu”…

Trước khi dự án này được đưa ra mời gọi đầu tư, một nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực công nghệ đã lựa chọn Quy Nhơn là điểm đến. Đó là Công ty CP FPT (Tập đoàn FPT). Được biết, vào tháng 5/2019, Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Tổ hợp giáo dục - trí tuệ nhân tạo và đô thị FPT Quy Nhơn cho Công ty CP FPT.

Chuyên đề