Tránh lối mòn chỉ định nhà đầu tư

(BĐT) - Đa số dự án BOT, BT, dù xuất phát điểm là đưa ra đấu thầu rộng rãi, nhưng cuối cùng vẫn dẫn đến chỉ định thầu do thiếu sự quan tâm của nhà đầu tư. 
Tránh lối mòn chỉ định nhà đầu tư

Vì thế, việc tăng sức hấp dẫn, tạo ra thị trường thực sự để thu hút nhà đầu tư, khiến họ yên tâm khi tham gia vào các dự án này sẽ góp phần hạn chế những cuộc thầu “một nhà đầu tư một sân”.

Lựa chọn dự án PPP hấp dẫn nhiều nhà đầu tư

Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn sơ bộ dự án, lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án và báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng đã hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án PPP. Tinh thần là làm sao phải lựa chọn được các dự án vì mục đích công và có tiềm năng thu hút nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân. 

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều dự án BOT, BT do nhà đầu tư đề xuất xuất phát từ chính lợi ích, tính toán của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước lại thẩm định không chặt chẽ. Đặc biệt là dự án BT, có trường hợp nhà đầu tư “nghĩ ra” công trình BT để sau đó đề xuất được hoàn vốn bằng khu đất mà mình đã nhắm trước. Khu đất ấy, trong nhiều trường hợp đồng bộ với những dự án khu đô thị khác của chính nhà đầu tư này.

Hoặc có dự án BOT nhà đầu tư đề xuất theo kiểu “phong trào”, thấy người khác làm có lợi cũng làm theo, ví dụ như đề xuất dự án BOT xây dựng cầu, trong khi hệ thống giao thông kết nối với cầu BOT chưa hoàn thiện, dẫn đến khi cầu hoàn thành đi vào thu phí hoàn vốn không đủ lưu lượng xe theo như phương án tài chính ban đầu, nhà đầu tư phải xin dừng thu phí chờ đường kết nối.

Với những dự án như thế này, dù có đưa ra đấu thầu rộng rãi quốc tế, thì ngoại trừ nhà đầu tư đề xuất, sẽ không có ai tham gia. Vì vậy, nếu không muốn đi vào lối mòn: chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia sơ tuyển và trúng sơ tuyển, sau đó được chỉ định thầu, thì dự án PPP phải thực sự hấp dẫn đối với thị trường và đảm bảo về tính cạnh tranh sòng phẳng, minh bạch.

Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã thực hiện thành công mô hình PPP, lựa chọn dự án là bước đi đầu tiên và rất quan trọng để thành công. Trong đó, tiêu chí quan trọng trong lựa chọn là dự án đó phải thuộc diện ưu tiên đầu tư cao của chính phủ. Bên cạnh đó, cần trả lời xem liệu dự án có thu hút được khối tư nhân và khiến họ coi là cơ hội kinh doanh hay không? Dự án có khả thi về mặt môi trường, kinh tế, kỹ thuật hay không?... Quan trọng nhất là việc lựa chọn dự án phải xuất phát từ chính nhu cầu đầu tư thực sự, chứ không phải từ nhu cầu của một nhóm lợi ích.

Hạn chế những dự án “một mình một sân”

Một chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho biết, theo thông lệ quốc tế, trong trường hợp đấu thầu rộng rãi nhưng chỉ nhận được 1 hồ sơ dự thầu thì đặt câu hỏi liệu dự án đó có mang lại hiệu quả đầu tư không. Có hai lựa chọn trong trường hợp này: sửa lại hồ sơ và đấu thầu lại hoặc tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng và chọn nhà đầu tư duy nhất nếu đã đảm bảo quá trình tuân thủ tính cạnh tranh, tuân thủ đầy đủ các yêu cầu. Lựa chọn 1 được cho là cách tiếp cận tốt nhất đối với những dự án không hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, với bước sơ tuyển nhà đầu tư theo quy định hiện hành về PPP của Việt Nam, nếu chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm, đáp ứng yêu cầu của HSMST, thì cũng nên xem xét lại “đầu bài” đưa ra sơ tuyển trước khi quyết định chỉ định nhà đầu tư. Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính công cũng cho rằng, nên đánh giá lại dự án nếu chỉ có 1 nhà đầu tư tham gia, trong đó lưu ý mức độ quan tâm của thị trường.

Trong định hướng sửa đổi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP, được biết Bộ KH&ĐT cũng sẽ sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để tăng cường hơn nữa đấu thầu rộng rãi, cạnh tranh minh bạch. Trong đó, đáng lưu ý là Bộ đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án bao gồm vốn góp của Nhà nước và vốn thanh toán cho nhà đầu tư có thể được tham gia vào các dự án do nhà đầu tư đề xuất, nhưng với điều kiện chỉ được bố trí khi dự án không áp dụng hình thức chỉ định thầu quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu. Phương án này có ưu điểm vừa tạo động lực khuyến khích nhà đầu tư, vừa tạo tính cạnh tranh minh bạch thông qua đấu thầu rộng rãi, hạn chế chỉ định nhà đầu tư. 

Chuyên đề