Tranh cãi về “lệnh” tạm dừng thu phí dự án BOT

(BĐT) - Ngày 5/7/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) ra thông báo sẽ ngừng thu phí tại 4 dự án BOT từ 18h ngày 10/7/2019 nếu các nhà đầu tư dự án không hoàn tất việc ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng ETC (thu phí tự động không dừng). Quyết định này gây ra phản ứng của các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư cho biết, vướng mắc hiện nay khiến nhà đầu tư chưa ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng ETC là nằm ở mức phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động. Ảnh: Trí Nguyễn
Các nhà đầu tư cho biết, vướng mắc hiện nay khiến nhà đầu tư chưa ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng ETC là nằm ở mức phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động. Ảnh: Trí Nguyễn

3 dự án BOT có nguy cơ tạm ngừng thu phí

4 dự án BOT gồm: Dự án Hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng (trạm thu phí Bắc Hải Vân), Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1.488 - Km1.525 qua tỉnh Khánh Hòa (trạm Cam Thịnh Km1.517+ 647), Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (trạm thu phí tại Km2.079 + 535), Dự án Mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP. Pleiku đến Cầu 110 với 2 trạm thu phí tại Km1.610+800 và Km1.667+470. 4 dự án BOT này lần lượt của các nhà đầu tư: Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia, Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 - Cam Ranh, Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp và Công ty CP BOT & BT Đức Long Gia Lai.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu chiều ngày 9/7/2019, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng TCĐB cho biết, chiều ngày 8/7/2019, Công ty CP BOT & BT Đức Long Gia Lai - nhà đầu tư dự án đã đàm phán và ký kết lại phụ lục hợp đồng về việc triển khai ETC với Bộ GTVT tại 2 trạm thu phí nêu trên. Vì vậy, TCĐB đã ra thông báo không thực hiện “lệnh” dừng thu phí từ 18h ngày 10/7/2019 với 2 trạm thu phí thuộc Dự án Mở rộng Quốc lộ 14 đoạn TP. Pleiku đến Cầu 110. Hiện tại, Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình đàm phán ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng ETC với 3 nhà đầu tư của 3 dự án BOT còn lại. Nếu trước thời điểm 18h ngày 10/7/2019, việc đàm phán này vẫn không hoàn tất thì vẫn sẽ triển khai dừng thu phí tại 3 dự án theo nội dung văn bản ngày 5/7/2019 của TCĐB.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 41/44 trạm thu phí của các nhà đầu tư BOT được ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng ETC với Bộ GTVT. Dự án ETC giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) có 44 trạm thu phí với 620 làn ETC. Đến nay đã lắp đặt ETC ở 28 trạm với 115 làn ETC. 

Bất đồng về mức phí tự động không dừng

Sau khi TCĐB có văn bản tạm dừng thu phí tại một số trạm thu phí BOT từ 18h ngày 10/7/2019, các nhà đầu tư BOT và Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đã liên tục có kiến nghị và phản ánh về những bất cập nếu triển khai nội dung văn bản này của TCĐB.

Thông tin với báo chí, đại diện các nhà đầu tư đều khẳng định ủng hộ chủ trương triển khai thu phí tự động không dừng của Chính phủ nhưng không đồng tình với cách triển khai của TCĐB.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ ETC và yêu cầu doanh nghiệp dự án/nhà đầu tư ký phụ lục hợp đồng BOT để điều chỉnh nội dung ETC có nhiều bất cập, khó khăn. Cụ thể là: chưa có sự thỏa thuận giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư; cách thức triển khai ETC gây ảnh hưởng đến phương án trả nợ tại ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án BOT; triển khai ETC mới chỉ đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư ETC mà chưa tính đến rủi ro của doanh nghiệp dự án BOT…

Ông Phạm Quốc Vượng, Tổng giám đốc Công ty CP Phước Tượng - Phú Gia cho rằng, nhà đầu tư ủng hộ thu phí tự động nhưng không đồng ý với cách mà TCĐB áp đặt nhà đầu tư. Nhà đầu tư đã ký hợp đồng và đưa vào hoạt động thu phí tự động từ lâu, việc chưa ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng ETC là do vướng phần mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động. Văn bản yêu cầu dừng thu phí từ 18h ngày 10/7 của TCĐB gây hiểu nhầm cho dư luận về việc nhà đầu tư không chấp hành chủ trương áp dụng ETC của Nhà nước. Một số tài xế đã lấy lý do này tập trung tới trạm thu phí gây mất trật tự, cản trở hoạt động thu phí.

Còn ông Phạm Văn Thưởng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư 194 BOT Quốc lộ 1 - Cam Ranh (trạm thu phí Cam Thịnh, Khánh Hòa) cho hay, nhà đầu tư đã ký hợp đồng triển khai thu phí tự động với Công ty VETC từ năm 2017 và cũng đã ký phụ lục hợp đồng về triển khai thu phí tự động với Bộ GTVT từ năm 2017. Điều này chứng minh doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định về áp dụng ETC của Nhà nước. Theo ông Thưởng, vướng mắc hiện nay khiến nhà đầu tư chưa ký điều chỉnh phụ lục hợp đồng ETC là nằm ở mức phí trích lại cho đơn vị thu phí tự động. Theo quy định trước đây, nhà đầu tư đã ký mức phí trả cho đơn vị thu phí tự động là 2,1% tổng mức phí thu được. Tuy nhiên, cuối năm 2018, do thay đổi phương án tài chính thu phí tự động, mức phí phải trả cho đơn vị thu phí tự động tăng lên 4,1%.

Chuyên đề