TP.HCM tìm nguồn cho dự án PPP

(BĐT) - Theo số liệu từ UBND TP.HCM, nhu cầu đầu tư 7 chương trình đột phá của Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 là rất lớn, ước tính khoảng 850.000 tỷ đồng. Trong đó, lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, chống ngập chiếm khoảng 60%. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, khả năng ngân sách của Thành phố hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư, do đó việc huy động nguồn lực từ xã hội là cần thiết. 

3 bất cập triển khai PPP

Theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, Thành phố không thể dừng các dự án BOT, BT vì ngân sách nhà nước không thể đáp ứng hết. Hơn nữa, đây là xu thế xã hội hóa, Thành phố không thể đi ngược lại. Ngay cả các nước như Mỹ, Nhật, Trung Quốc… cũng phải xây dựng nhiều dự án hạ tầng theo hình thức BOT, BT.

Từ thực tiễn triển khai thời gian vừa qua, theo ông Hoan, có 3 khâu quan trọng cần phải rút ra bài học trong quá trình thực hiện.

Thứ nhất là khâu đề xuất dự án. Trong Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP, có 2 chủ thể đề xuất dự án là Nhà nước và nhà đầu tư. Tuy nhiên, về phía Nhà nước do không có tiền để nghiên cứu chuẩn bị các dự án BT, BOT nên thời gian qua, phần lớn các dự án BT, BOT do nhà đầu tư đề xuất, mà khi nhà đầu tư đề xuất thì chắc chắn phải có lợi cho họ nhiều hơn, đấu thầu khó có tính cạnh tranh. Do đó, chúng ta phải chuẩn bị nguồn lực tài chính và nghiên cứu đầy đủ các dự án BT, BOT rồi đưa ra đấu thầu thì sẽ chọn được nhà đầu tư có chất lượng.

Thứ hai là quá trình thi công, theo quy định hiện hành có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhưng phần lớn chưa giám sát được. Vì vậy, các cơ quan nhà nước phải có vai trò giám sát tốt hơn quá trình thi công.

Thứ ba là việc quản lý chi phí. Hiện nay mức phí và thời gian thu phí phải thông qua hội đồng xác định. Theo hình thức PPP ở một số nước, thì nhà nước cùng tham gia vào việc quản lý phí thu. Không nên cố định một khoảng thời gian thu phí mà căn cứ trên thực tế khi nào thu đủ sẽ kết thúc hợp đồng. Muốn làm được điều này cần tăng cường minh bạch hóa việc thu phí. 

Thành lập quỹ chuẩn bị dự án PPP

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, số lượng các dự án thực hiện theo hình thức PPP của Thành phố không lớn, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số dự án đầu tư công. Tuy nhiên, nguồn vốn huy động cho các dự án này lại gấp 5 lần nguồn lực đầu tư công của Thành phố giai đoạn 2011 - 2015. Thực tế này đang đòi hỏi những giải pháp phù hợp đối với một địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP.HCM.

Hiện, TP.HCM đang nghiên cứu để thành lập một quỹ chuẩn bị cho dự án BOT. Quỹ này nhằm hỗ trợ chi phí chuẩn bị dự án như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định đề xuất dự án, chi phí lựa chọn nhà đầu tư, góp phần tăng tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án PPP…

Để có nguồn lực tài chính quy mô đủ lớn tài trợ cho các dự án PPP cũng như các dự án trọng điểm khác, UBND TP.HCM đã giao cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) chủ trì xây dựng Đề án huy động các nguồn lực trong dân cũng như nguồn kiều hối từ nước ngoài. Triển khai nhiệm vụ này, HFIC đang nghiên cứu việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình… theo cơ chế doanh nghiệp tự vay tự trả, từ đó giảm áp lực nợ công cho ngân sách Thành phố.

Nhằm nâng cao năng lực huy động vốn cũng như phát huy vai trò vốn mồi, vốn đối ứng tiên phong của HFIC khi tham gia các dự án trọng điểm của Thành phố, dự kiến trong thời gian tới TP.HCM sẽ chuyển giao các nguồn lực nhà nước về HFIC quản lý. Cơ chế này sẽ giúp cho các nguồn lực nhà nước được bảo toàn và sử dụng có hiệu quả trong quá trình đầu tư, phát triển của Thành phố.                

Chuyên đề