TP.HCM tập trung nguồn lực chống ngập

(BĐT) - “Thành phố luôn ưu tiên để phát triển các dự án nhằm giảm tình trạng ngập nghư hiện nay. Khi Dự án Trung Nam hoàn thành, Thành phố sẽ trở thành một thành phố sông nước, khai thác tối đa để phát triển đô thị”. 
TP.HCM ưu tiên cải tạo lại hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch… với nhu cầu vốn hơn 73.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM ưu tiên cải tạo lại hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch… với nhu cầu vốn hơn 73.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Đây là mong muốn của UBND TP.HCM tại buổi làm việc với các sở ngành liên quan về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn Thành phố.

Khó khăn về kinh phí

Từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn Thành phố có 126 điểm ngập do mưa, 95 điểm ngập do triều. 10 năm qua, nhờ triển khai các dự án chống ngập, đến nay Thành phố còn 18 điểm ngập do mưa, 5 điểm ngập do triều cường. Các điểm ngập này sẽ tiếp tục được giải quyết trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Sau khi Thành phố khơi thông kênh Hàng Bàng dài hơn 1.800 mét qua hai quận 5 và 6 đã tạo được cảnh quan môi trường rất đẹp. Tuy nhiên, ông Trương Lâm Danh - Trưởng ban Pháp chế của HĐND Thành phố bày tỏ băn khoăn khi một bên là khơi thông, nhưng mặt khác lại đang có tình trạng lắp đặt lại cống hộp. Theo ông Danh, nếu đặt loại cống này, ngoài lợi ích không lọt rác vào được, còn lại là rất khó thoát nước và thẩm thấu, miệng cống lại bị tắc nghẽn vì bùn, liệu rằng có lặp lại như tình trạng kênh Hàng Bàng trước đây, rồi một thời gian sau lại phải khơi thông hay không?

“Hiện nay, chúng ta đã cho một số dự án để liền thửa, chúng ta cho phép lắp rạch nhỏ, thì buộc phải bù lại, cứ 1 mét vuông thì bù lại 1,2 đến 1,4 lần. Như vậy, trong thời gian qua, chúng ta cho thực hiện được bao nhiêu rồi? Và bù lại, hồ điều tiết là bao nhiêu, công tác quản lý của chúng ta về vấn đề này như thế nào?” - ông Trương Lâm Danh nêu vấn đề.

Ông Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế của HĐND Thành phố yêu cầu UBND Thành phố cho biết vì sao công tác chống ngập chưa hiệu quả. Việc lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh rạch, hệ thống thoát nước chưa làm quyết liệt. Trong các điểm ngập có 3 điểm ngập là đường Hồ Học Lãm, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1A (quận Thủ Đức) dự kiến Thành phố sẽ đưa vào dự án chống ngập sau năm 2020. 

TP.HCM đang gặp khó khăn về kinh phí, hiện có 97 dự án cần đầu tư với tổng số tiền 33.200 tỷ đồng. “Để làm tốt nhất việc thoát nước như Bình Tân, Bình Chánh hay làm rạch Tham Lương Bến Cát, tốt nhất là làm rạch đó thật thông, nhưng tổng số tiền lên đến 700 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, mình không có tiền. Ý tôi muốn hỏi chiến lược của mình là mình dồn tiền làm rạch lớn hay rạch con trước?” - ông Lê Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND Thành phố đặt vấn đề. 

Khung giá đất bồi thường đã lạc hậu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, gần 3 năm qua, TP.HCM đã thực hiện nhiều công trình, chương trình, một số nơi đã khắc phục được tình trạng ngập, giảm ngập, có nơi vẫn còn ngập cục bộ, có những dự án không ngập đường nhưng lại ngập nhà dân như đường Kinh Dương Vương. Theo ông Hoan, việc làm sao chống ngập phải được tính toán, có thể ngập đường trong thời gian ngắn rồi rút nhưng không ngập nhà dân. Mặt khác, các quy hoạch hiện nay của Thành phố đã lạc hậu, không phù hợp với điều kiện phát triển của Thành phố.

Về bố trí nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình, Thành phố xác định ưu tiên cải tạo lại hệ thống thoát nước, nạo vét kênh rạch… với nhu cầu vốn rất lớn, hơn 73.000 tỷ đồng, vì vậy phải kêu gọi vốn đầu tư từ các nguồn khác.

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, một số cơ chế chính sách trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố hiện không còn phù hợp. Trong khi quy định yêu cầu tiếp cận thực tế với thị trường, nhưng khung giá bồi thường của Thành phố hiện nay không sát thực tế, lạc hậu so với thị trường. Mặt khác, cách tính giá chỉ tính đơn giá đất, bồi thường nhà, không hỗ trợ chi phí học hành, đi lại… do đó, người dân khó chấp nhận. Lãnh đạo UBND TP.HCM kiến nghị Trung ương cần thay đổi khung giá đất, tài sản trên đất… để người dân bị giải tỏa có thể ổn định cuộc sống.  Cùng với đó, điều chỉnh phương pháp để thực hiện quy trình ra giá bồi thường. Hiện khâu trung gian bàn giá mất quá nhiều thời gian, cần phải bàn thảo thấu đáo, sau đó triển khai theo trình tự để rút ngắn thời gian.

“Sắp tới, Thành phố cần hoàn chỉnh lại quy chế quản lý mép bờ cao của các địa phương, các nhà đầu tư, người dân. Rà soát quản lý hệ thống kênh rạch, hệ thống thoát nước, có kế hoạch xử lý cụ thể, xác định rõ ai sẽ chịu trách nhiệm quản lý” - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu.

Chuyên đề