TP.HCM sẽ đi đầu về các dự án PPP y tế?

(BĐT) - Theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), TP.HCM có đủ các điều kiện để triển khai nhiều dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực y tế. Bản thân lãnh đạo UBND TP.HCM cũng cho biết, luôn ưu tiên các dự án phát triển ngành y tế theo hướng để khu vực tư có vai trò tích cực hơn.
Bệnh viện Gia An 115 là dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại TP.HCM, hợp tác giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Tuấn Thụy
Bệnh viện Gia An 115 là dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại TP.HCM, hợp tác giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: Tuấn Thụy

Chiếm hơn 1/4 số lượt khám, chữa bệnh của cả nước

Theo PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, với thực trạng cơ sở vật chất trong lĩnh vực y tế - bệnh viện tại Việt Nam như hiện nay, đầu tư theo hình thức PPP là phù hợp và mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể: hình thức đầu tư này giúp tận dụng nguồn lực từ khu vực tư nhân (Nhà nước không phải mất chi phí đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành), giảm áp lực tài chính cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất đai.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, Thành phố năm 2018 đã có hơn 45,3 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú (chiếm hơn 1/4 tổng số lượt khám, chữa bệnh của cả nước) và hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú tại 7.086 cơ sở khám, chữa bệnh. Trên địa bàn Thành phố hiện có 14 bệnh viện trực thuộc bộ, ngành; 32 bệnh viện cấp thành phố; 23 bệnh viện quận, huyện; 56 bệnh viện tư nhân; 24 trung tâm y tế; 319 trạm y tế; 212 phòng khám đa khoa và 6385 phòng khám chuyên khoa.

 “Các số liệu trên cho thấy, với hệ thống cơ sở y tế công lập hiện tại, nhu cầu đầu tư các dự án trong lĩnh vực này bức thiết đến mức độ nào”, ông Thượng cho biết.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm thông tin, hiện nay, nhu cầu đầu tư cho dự án của Thành phố rất lớn; trong đó đầu tư cho lĩnh vực y tế chiếm tỷ trọng cao. Với nhu cầu đầu tư lớn trong khi ngân sách thành phố ngày càng hạn hẹp, việc kêu gọi xã hội hóa và đầu tư theo hình thức PPP là cần thiết. “Thành phố coi trọng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, trong khi ngân sách không thể đáp ứng. Thành phố đang kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong ngành y tế 14 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng”, ông Liêm chia sẻ. 

Trong y tế, cần bổ sung 1 chữ P vào mô hình PPP

Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, một liên danh nhà đầu tư đang rất quan tâm đến Dự án Xây dựng Khu khám và điều trị dịch vụ của Bệnh viện Nhi đồng 1 theo hình thức PPP. Dự án có quy mô 50 phòng khám, 150 giường lưu bệnh nhân và 10 giường hồi sức tích cực (ICU), 05 giường hậu phẫu với đầy đủ trang thiết bị y tế tiên tiến đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tổng mức đầu tư của Dự án dự kiến là 721 tỷ đồng.

TP.HCM đã và đang triển khai rất thành công các dự án PPP lĩnh vực y tế ở nhiều mức độ, từ các dự án quy mô lớn đến các mô hình trạm y tế cấp phường. Cụ thể, năm 2018, Bệnh viện Gia An 115 có số vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, quy mô 367 giường bệnh, 60 phòng khám, đã được khánh thành. Ðây là dự án PPP đầu tiên trong lĩnh vực y tế tại TP.HCM, hợp tác giữa Tập đoàn Hoa Lâm và Bệnh viện Nhân dân 115. Tại Quận 3, nhiều  trạm y tế cấp phường đã tận dụng tốt hệ thống thiết bị hiện đại của khu vực tư nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh…

Theo bà Caryn Bredenkamp, chuyên gia kinh tế cấp cao của WB, đầu tư PPP trong lĩnh vực y tế cần có những lưu ý nhất định. Theo đó, cần bổ sung thêm một chữ P, trở thành Public-Private Partnership for People vào 3 chữ P (Public-Private Partnership). “Điều này sẽ giúp tránh chệch hướng khi triển khai các đề án đầu tư theo hình thức PPP. Và một khi TP.HCM quan tâm đến các dự án PPP trong lĩnh vực y tế với mục tiêu chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng thì chúng tôi tin đây sẽ là địa phương thành công, thu hút được nhiều nhà đầu tư”, bà Caryn khẳng định.

Chuyên gia WB giới thiệu cho TP.HCM các mô hình PPP trong lĩnh vực y tế trên toàn cầu, như: PPP trong cung cấp dịch vụ quản lý thiết bị y tế; PPP trong cung cấp dịch vụ hợp đồng quản lý; PPP trong cung cấp dịch vụ lâm sàng chuyên khoa hoặc dịch vụ cận lâm sàng; mô hình PPP tích hợp…

PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng khẳng định, sẽ tham khảo từng mô hình PPP cụ thể để lựa chọn loại hợp đồng phù hợp và đưa việc áp dụng PPP trở thành công cụ giảm gánh nặng ngân sách nhà nước cho đầu tư y tế trong thời gian tới.

Chuyên đề