TPHCM lần đầu xây nhà máy xử lý rác nguy hại

Nhà máy xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại đầu tiên của TPHCM được xây ở huyện Bình Chánh, công suất 500 tấn mỗi ngày, sẽ vận hành vào tháng 9/2021.
Phối cảnh nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại tập trung đầu tiên của TPHCM.
Phối cảnh nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, nguy hại tập trung đầu tiên của TPHCM.

Dự án khởi công chiều 20/12, rộng khoảng 17 ha, tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh). Nhà máy sẽ tái chế và xử lý chất thải từ các nhà máy, phòng thí nghiệm, cơ sở y tế, trại chăn nuôi... bằng công nghệ nhiệt (lò đốt). Có khoảng 70% đến 90% rác thải đầu vào được tái chế thành nguồn nguyên phụ liệu.

Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, dự án là nỗ lực của chính quyền thành phố trong việc gia tăng tỷ lệ tái chế, tận dụng tài nguyên trong chất thải rắn.

TPHCM có hơn 2.000 nhà máy, 10.000 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, khối lượng chất thải công nghiệp và nguy hại cần xử lý gần 2.500 tấn một ngày, trong đó chất thải nguy hại là 400 tấn. Dự báo đến năm 2025 thành phố sẽ có 3.500 tấn rác thải công nghiệp, bao gồm khoảng 1.000 tấn rác thải nguy hại.

Ngoài các khu xử lý chất thải tập trung như Đa Phước (huyện Bình Chánh), khu xử lý Tây Bắc Củ Chi... thành phố hiện có 12 cơ sở được cấp phép xử lý chất thải nguy hại với tổng công suất 250 tấn một ngày, hoạt động riêng lẻ, quy mô nhỏ, năng suất xử lý chỉ được 50%. Phần chất thải nguy hại còn lại được lưu chứa ở các chủ nguồn thải, hoặc được thu gom vận chuyển về tỉnh thành khác để xử lý.

Việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, nguy hại tại Đa Phước với quy mô khá lớn được cho là sẽ giải quyết tình trạng manh mún, riêng lẻ trong khâu vận chuyển và xử lý rác.

Đây là nhà máy xử lý chất thải rắn thứ ba được TPHCM khởi công trong năm nay.

Chuyên đề