TP.HCM dồn sức phát triển công nghiệp hỗ trợ

(BĐT) - Hiện tại, tỷ lệ cung ứng nguyên, vật liệu và linh kiện tại chỗ của Việt Nam chỉ là 32%, cao hơn Philipines (28,4%), song nếu so với tỷ lệ ở Thái Lan là 56% hay ở Trung Quốc là 65% thì tỷ lệ này vẫn còn rất thấp.
Tỷ lệ cung ứng nguyên, vật liệu và linh kiện tại chỗ của Việt Nam chỉ là 32%. Ảnh: Tiên Giang
Tỷ lệ cung ứng nguyên, vật liệu và linh kiện tại chỗ của Việt Nam chỉ là 32%. Ảnh: Tiên Giang

Cần cung ứng vừa tốt vừa rẻ

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM đã nhận định như vậy trong buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp hỗ trợ mới đây. Thống kê cho thấy tỷ lệ nội địa hóa trong khối chế tạo của các DN Nhật Bản tại Việt Nam năm ngoái là 32%, giảm nhẹ so với mức 33,2% trong năm 2014.

“Từ góc nhìn của bản thân mình, tôi nghĩ rằng các nhà sản xuất Việt Nam cần tập trung cung cấp sản phẩm với giá rẻ hơn, với chất lượng tốt hơn và tuân thủ chặt chẽ kỳ hạn giao hàng”, ông Takimoto Koji chia sẻ.

Theo thống kê, trong 10 năm qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt bình quân 13,9%/năm. Có 2.586 chủng loại thuế đã được loại bỏ sau khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) có hiệu lực vào tháng 10 năm 2009, chiếm 28% của tổng số 9.390 dòng thuế cam kết.

Tuy nhiên, như lưu ý của vị lãnh đạo JETRO, bối cảnh hội nhập sâu rộng đang khiến việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nhà sản xuất trong nước trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, việc nâng cao hơn nữa tỷ lệ cung ứng nội địa là một vấn đề quan trọng.

Còn hạn chế về liên kết

Điện - điện tử, hóa chất, cơ khí là những lĩnh vực mũi nhọn mà TP.HCM tập trung thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là DN Nhật Bản. Tại các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM hiện có khoảng hơn 260 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chiếm trên 50% tổng DN FDI. Và số DN Nhật trong lĩnh vực này ở TP.HCM không phải là ít, chủ yếu sản xuất sản phẩm hỗ trợ cho các ngành: điện tử, cơ khí, ô tô…

Phần lớn nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng cho các DN này được nhập khẩu từ nước ngoài. Điều đó cho thấy liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước còn hạn chế. Trong khi đó, như chia sẻ của ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC), mục tiêu lớn đặt ra cho ngành sản xuất linh kiện đến năm 2020 là đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện, phụ tùng cho các ngành công nghiệp, và 80% đến năm 2030. 

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ cung ứng nội địa cho khối FDI, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thời gian qua Thành phố đã xây dựng các phân khu nhà xưởng cao tầng có quy mô diện tích, giá thuê mặt bằng phù hợp với nhu cầu DN nhỏ và vừa (dưới 500 m2/lô) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Hiệp Phước.

Ngoài ra, Thành phố cũng bổ sung các dự án công nghiệp hỗ trợ vào chương trình kích cầu đầu tư; bổ sung nội dung trong chương trình xúc tiến, kêu gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; ban hành kế hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, ban hành kế hoạch triển khai hỗ trợ các DN trong nước đáp ứng các yêu cầu của tập đoàn Samsung; tổ chức kết nối cung - cầu giữa các DN công nghiệp hỗ trợ và DN sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh; hỗ trợ vốn cho các DN thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN.

Ông Liêm khẳng định, Thành phố đang đẩy mạnh việc liên kết giữa các nhà đầu tư trong Khu công nghệ cao và các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời tích cực hỗ trợ để DN trong nước có đủ khả năng cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn nước ngoài với nhiều cơ chế chính sách ưu đãi.  

Chuyên đề