Tối đa hóa hiệu quả thu hút FDI

(BĐT) - 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã cho Việt Nam nhiều bài học chính sách đáng giá. Điều quan trọng trong xây dựng chính sách lúc này là thay vì tối đa hóa về lượng, phải tối đa hóa hiệu quả trong thu hút FDI.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Liên tiếp xác lập kỷ lục

Theo dự kiến, Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI sẽ được tổ chức trong năm nay. Nhiều người kỳ vọng những định hướng mới trong thu hút FDI để khu vực này có thể đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước.

Kết thúc năm 2017, thu hút FDI xác lập kỷ lục mới. Sau khi về đích sớm, vượt xa mục tiêu cả năm vào tháng 10/2017 (28 tỷ USD so với kế hoạch đề ra đầu năm là 25 tỷ USD), thu hút vốn FDI tiếp tục tăng và đạt gần 36 tỷ USD vốn đăng ký trong cả năm 2017 - cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt, vốn thực hiện cũng ở mức rất cao, ước khoảng 17 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đây được xem là kết quả hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh năm 2017 là năm ghi dấu mốc 30 năm Việt Nam triển khai thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia kinh tế, lượng vốn đăng ký ấn tượng trong năm qua một lần nữa đã góp phần khẳng định FDI là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam. Khẳng định này là có cơ sở bởi thực tế 30 năm thực hiện thu hút FDI đã cho thấy, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện như GDP (trên 20%), sản lượng công nghiệp (trên 50%), kim ngạch xuất khẩu (gần 70%) và việc làm (cho khoảng 12 - 13 triệu lao động).

Quan trọng hơn cả, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là chúng ta đã nhận được “những bài học chính sách đáng giá”. Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới đã và đang chuyển đổi sâu sắc, đặc biệt là dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì hệ thống chính sách thu hút FDI phải được thiết kế để không chỉ dừng lại ở việc thu hút, mà còn phải tối đa hóa hiệu quả của dòng vốn này. 

Tăng cường liên kết giữa hai khối doanh nghiệp

Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 3,34 tỷ USD, bằng 98,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Tính đến ngày 20/2/2018, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 1,7 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo nhiều chuyên gia, tăng trưởng mà Việt Nam có được sau đổi mới chủ yếu do đóng góp của các nhân tố theo chiều rộng, gồm lao động rẻ, vốn và tài nguyên. Vì vậy, sau chu kỳ suy giảm, nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi chu kỳ tăng trưởng chậm. Liên quan đến vấn đề này, cố vấn cao cấp về chính sách đầu tư của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Simon Bell khuyến nghị, Việt Nam cần khởi tạo động lực tăng trưởng mới, đó chính là giá trị bên trong để tiếp tục tăng trưởng nhanh và tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc xây dựng mô hình tăng trưởng mới dựa vào hiệu quả huy động các nguồn lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh công nghiệp, nâng cao trình độ công nghệ và tăng năng suất lao động. Tăng cường liên kết các doanh nghiệp (DN) nội địa với khu vực FDI là một trong những hướng đi đúng đắn để đạt mục tiêu này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, làm thế nào để tăng cường liên kết giữa 2 khối DN là một bài toán khó. Lâu nay, có một thực tế là tác động lan tỏa về công nghệ, kỹ năng, trình độ quản lý, năng suất… của khu vực FDI còn yếu. Nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các DN trong nước còn hạn chế cả về quy mô lẫn năng lực nên không đủ khả năng tiếp nhận hiệu ứng lan tỏa tích cực từ khu vực FDI.

Cụ thể, công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng của DN trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng. Số lượng DN công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là DN đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, có khả năng cung ứng cho DN FDI, nhà cung cấp chuỗi vệ tinh còn rất ít ỏi (chỉ khoảng 30 DN). Bên cạnh đó, mối liên kết, trao đổi thông tin giữa DN công nghiệp hỗ trợ trong nước và DN FDI, DN vệ tinh chưa nhiều. Mặt khác, DN trong nước chưa tự tin, chủ động tiếp cận với DN FDI, chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khiến mối liên kết giữa hai khối DN chưa được như kỳ vọng.

Theo dự báo, đến những năm 2022, 2023 và các năm sau đó, Việt Nam vẫn sẽ là một điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để triển vọng tốt đẹp này thành hiện thực, ngoài nỗ lực của Chính phủ, thì nỗ lực tự thân của chính các DN trong nước trong tăng cường liên kết với DN FDI là vô cùng quan trọng.

Chuyên đề