Tín hiệu lạc quan về môi trường kinh doanh

(BĐT) - Theo Báo cáo thường niên về Chỉ số thuận lợi kinh doanh (Doing Business) 2017 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa được công bố, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc xếp hạng so với năm 2016. 
Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc là kết quả từ những nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua. Ảnh: Lê Tiên
Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc là kết quả từ những nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua. Ảnh: Lê Tiên

Đánh giá này phù hợp với những diễn biến tích cực về môi trường kinh doanh, tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) thời gian vừa qua. 

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng

Trong 10 tháng của năm 2016, 22.486 DN đã quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một trong những điểm sáng đưa ra tại Báo cáo tình hình DN quay trở lại hoạt động, tạm ngừng và giải thể tháng 10 và 10 tháng năm 2016 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố.

Theo Báo cáo này, số lượng DN quay trở lại hoạt động phân theo vùng lãnh thổ tăng ở tất cả các vùng so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể là khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 3.259 DN, tăng 44,3%; tiếp đó là vùng Đông Nam Bộ với 9.303 DN, tăng 43,1%; Tây Nguyên với 692 DN, tăng 40,9%; Đồng bằng sông Hồng với 6.113 DN, tăng 38,8%; Đồng bằng sông Cửu Long là 2.183 DN, tăng 32,5% và Trung du và miền núi phía Bắc là 936 DN, tăng 4,3%. Chia theo lĩnh vực hoạt động, tình hình DN quay trở lại hoạt động tăng ở hầu hết các ngành là giáo dục và đào tạo; công nghiệp chế biến, chế tạo; nghệ thuật, vui chơi và giải trí…

Thông tin về DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong 10 tháng năm 2016, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể của cả nước là 33.131 DN, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 10 tháng năm 2016, tất cả các vùng đều có số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Đồng bằng sông Cửu Long có 2.134 DN, giảm 58,1%; tiếp đến là Trung du và miền núi phía Bắc có 1.106 DN, giảm 43,9%; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 3.596 DN, giảm 40,7%... 

Tiếp thêm niềm tin cho doanh nghiệp

Trong thời gian tới, cải cách cần phải quyết liệt hơn nữa, không chỉ đơn thuần về mặt quy định, mà cần phải chú trọng hơn tới việc thực thi để bảo đảm ít nhất là tuân thủ đúng như quy định của pháp luật và tiến tới thực hiện tốt hơn quy định là điều rất quan trọng.
Theo Báo cáo nêu trên của Ngân hàng Thế giới (WB), nhiều chỉ số thuận lợi kinh doanh tăng hạng là: tiếp cận điện năng; bảo vệ nhà đầu tư nhỏ; tiêu chí giao thương quốc tế…

Nhiều chuyên gia đánh giá, các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào triển vọng kinh tế Việt Nam. Đây là điều kiện quan trọng để tiếp thêm sinh lực cho DN khởi nghiệp, đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2016 và trong thời gian tới. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, kết quả này đã ghi nhận những nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. “Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc có sự đóng góp rất lớn của 3 chỉ số thành phần là bảo vệ cổ đông nhỏ (tăng 31 bậc), thủ tục trả thuế (tăng 11 bậc), thương mại qua biên giới (tăng 15 bậc). Các chỉ số này tăng hạng có liên quan trực tiếp đến những cải cách của Luật Doanh nghiệp năm 2014 và triển khai loạt Nghị quyết số 19/NĐ-CP” - ông Hiếu nhấn mạnh. 

Nhận định về tình hình phát triển của DN thời gian tới, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh lạc quan rằng, những tín hiệu tích cực sau hơn 1 năm triển khai Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2014 vừa qua sẽ là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, không chỉ trong các tháng cuối năm, mà trong cả thời gian tới.

Tuy nhiên, theo Doing Business 2017 của WB, chỉ số gia nhập thị trường của DN Việt Nam năm 2016 giảm tới 10 bậc, trong khi chúng ta đã và đang ghi nhận rất nhiều kết quả tích cực từ công tác này. Nhìn nhận về đánh giá này của WB, ông Hiếu cho biết: “Có thể là do phương pháp đánh giá của WB về thời gian trong việc thực hiện một số thủ tục trong chỉ số gia nhập thị trường như: khắc dấu, thủ tục thông báo về dấu… chưa thực sự chuẩn xác do dựa trên kết quả khảo sát thực tế. Song, kết quả này cũng phần nào phản ánh việc thực hiện Luật Doanh nghiệp thực tế ở một số địa phương chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ theo tinh thần cải cách trong Luật Doanh nghiệp”.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, trong thời gian tới, cải cách cần phải quyết liệt hơn nữa, không chỉ đơn thuần về mặt quy định, mà cần phải chú trọng hơn tới việc thực thi để bảo đảm ít nhất là tuân thủ đúng như quy định của pháp luật và tiến tới thực hiện tốt hơn quy định là điều rất quan trọng. “Đây mới là yếu tố cơ bản để cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên đề