Tiếp tục kiến nghị khơi thông thị trường BĐS

(BĐT) - Cho rằng tín dụng đối với thị trường bất động sản (BĐS) và việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án BĐS đang có nhiều “điểm nghẽn”, ngày 9/2/2017 Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) tiếp tục có văn bản đề nghị Nhà nước khơi thông những điểm ách tắc này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

HoREA cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo giải ngân đến hết ngày 31/12/2016; các trường hợp nhận nhà từ ngày 1/1/2017 trở đi thì không được tiếp tục giải ngân từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, mà phải chuyển sang vay tín dụng thương mại theo lãi suất thỏa thuận với ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng đối tượng này không nhiều và sẽ rất khó khăn nếu phải vay thương mại. Vì vậy, HoREA kiến nghị NHNN cho phép các trường hợp nhận nhà từ ngày 1/1/2017 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng.

Năm 2017, theo quy định của NHNN, người vay mua nhà ở xã hội (NƠXH) tiếp tục được hưởng mức lãi suất 5%/năm, nhưng chỉ áp dụng cho người mua NƠXH thuộc gói 30.000 tỷ đồng, chưa áp dụng cho các trường hợp mới, do chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách. Đây là vấn đề rất cấp bách nên HoREA kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng sớm trình Chính phủ bố trí nguồn tái cấp vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách NƠXH.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA phân tích, thị trường BĐS hoạt động trung hạn và dài hạn, nhưng Nhà nước chưa có cơ chế tạo lập nguồn vốn tín dụng trung hạn, dài hạn để cung cấp cho thị trường BĐS. Vì vậy, HoREA một lần nữa đề nghị NHNN có cơ chế để tính lãi suất cho vay hàng năm trong thời hạn khoảng 15 - 20 năm cho người mua căn nhà đầu tiên thuộc loại căn hộ vừa túi tiền. Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2012 và Nghị định 60/2015, theo đó cho phép thành lập quỹ đầu tư BĐS, nhưng cho đến nay chỉ có duy nhất Quỹ đầu tư BĐS của Techcombank hoạt động; Quỹ tín thác BĐS (quỹ REIT) và thị trường chứng khoán phái sinh vẫn chưa được hình thành để tạo vốn cho thị trường BĐS.

Theo HoREA, chuyển nhượng dự án BĐS là một "điểm nghẽn" của thị trường BĐS; 500 dự án này tại TP.HCM hiện đang bị ngừng triển khai là "phần chìm của tảng băng hàng tồn kho", nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hợp lý và hiệu quả để xử lý triệt để vấn đề này. Trong khi đó, Khoản (1.b) Điều 194 Luật Đất đai, Khoản 2 Điều 49 Luật Kinh doanh BĐS quy định, chủ đầu tư chỉ được chuyển nhượng dự án sau khi đã có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

“Tôi cho rằng, việc chuyển nhượng dự án là hoạt động giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là bán nhà ở cho người mua nhà. Nếu bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng thì bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này. Do vậy, chúng tôi đề nghị cho phép doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án”, ông Châu lý giải.    ­

Chuyên đề