Thủy điện nhỏ: Hướng đến phát triển bền vững, không ồ ạt

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên lượng mưa bình quân năm khá cao rất thuận lợi để phát triển thủy điện lớn, vừa và nhỏ. Tuy nhiên, sau một thời gian hơn 824 dự án thủy điện nhỏ xin cấp phép thì đến hơn một nửa số dự án buộc phải dừng lại.
Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo” diễn ra ngày 5/10. Ảnh: VGP
Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo” diễn ra ngày 5/10. Ảnh: VGP

“Trào lưu” xây thủy điện nhỏ?

Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đưa ra tại Hội thảo “Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, phát triển năng lượng tái tạo” diễn ra sáng 5/10, cho biết, từ năm 2002, quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ do Bộ Công Thương (trước đây là Bộ Công nghiệp) và UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo lập, có tổng số 824 dự án. Đến năm 2006, theo Quyết định số 2394/QĐ-BCT ngày 01/9/2006 của Bộ Công Thương quy định phân ngưỡng thủy điện thì số dự án giảm còn 714 dự án thủy điện nhỏ.

Tuy nhiên, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trước năm 2013, công tác quy hoạch thủy điện nhỏ do UBND các tỉnh tổ chức lập, thẩm định và quyết định sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương, song việc quản lý còn chưa đồng bộ đã nảy sinh nhiều bất cập.

Cụ thể, có tình trạng các nhà đầu tư “chạy” xong dự án là trao đổi mua đi, bán lại mà không tổ chức triển khai thực hiện như Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Thậm chí, một số chủ đầu tư đã, tư vấn và nhà thầu còn vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai dự án, hoặc vận hành khai thác, chưa kể năng lực quản lý khai thác, thiết kế dự án chưa đáp ứng yêu cầu.

Thực trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã dẫn tới chất lượng quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng, còn vi phạm quy định về vận hành nhà máy gây bức xúc cho dư luận.

Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, với Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương (Thông tư 43) quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác công trình thủy điện đã cơ bản giải quyết một số vướng mắc trong công tác quản lý lập quy hoạch, phê duyệt quy hoạch và hướng dẫn đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án/công trình thủy điện, tạo sự thống nhất trong công tác quản lý theo thẩm quyền từ Bộ Công Thương đến các địa phương.

Ngay khi Thông tư 43 ra đời, Bộ Công Thương đã thực hiện rà soát và giảm 468 dự án thủy điện vừa và nhỏ do không đảm bảo hiệu quả đầu tư, tác động tiêu cực lớn đối với môi trường-xã hội... (chủ yếu là các dự án thủy điện nhỏ có công suất thấp).

Tính đến thời điểm hiện nay, công tác rà soát thủy điện nhỏ về cơ bản đã tương đối đầy đủ, chi tiết trên phạm vi cả nước, bảo đảm các yêu cầu Nghị quyết 62 của Quốc hội. Tổng thể quy hoạch thủy điện nhỏ trên địa bàn toàn quốc sau rà soát là 713 dự án với 7.217,64 MW.

Trong đó, đã đưa vào vận hành khai thác 264 dự án với 2.658,96 MW, đang thi công xây dựng 146 dự án với 1.833,5 MW, đang nghiên cứu đầu tư 250 dự án 2.459,7MW, trong khi 53 dự án còn lại chưa nghiên cứu đầu tư.

Lý do của việc Bộ Công Thương mạnh tay xóa sổ 468 dự án thủy điện nhỏ, theo ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương) là do nhiều chủ đập thủy điện chưa chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong việc dự báo, tính toán lưu lượng nước về hồ để phục vụ vận hành hiệu quả, an toàn hồ chứa.

Những bất cập này là do chưa có quy định hướng dẫn chi tiết quy định chủ đập lắp đặt thiết bị quan trắc thủy văn trên lưu vực hồ chứa như quy định về mật độ, loại thiết bị. Do đó chưa ràng buộc, chưa có cơ sở để các chủ đập lắp đặt vận hành hồ chứa hiệu quả.

5 giải pháp phát triển bền vững thủy điện vừa và nhỏ

Theo ông Đỗ Đức Quân, có 5 giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả thủy điện nhỏ ở Việt Nam.

Một là, nâng cao hiệu quả công tác rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện các công trình thủy điện đang vận hành khai thác.

Hai là, tăng cường hơn nữa nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ba là, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành

Bốn là, tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương để thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác.

Năm là, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng sớm xem xét để bổ sung, điều chỉnh các Nghị định, Thông tư, chế tài, thể chế để kịp thời đáp ứng với việc đầu tư phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả và bền vững; xem xét việc thu hút đầu tư vào thủy điện nhỏ đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo ông Quân, cơ quan chức năng cần ban hành chế tài xử phạt đối với các Chủ đầu tư các dự án thủy điện khi có những vi phạm như: Không thực hiện trồng rừng thay thế, trì hoãn chi trả dịch vụ môi trường rừng, vi phạm quy trình vận hành hồ chứa, không đảm bảo duy trì lưu lượng xả môi trường.

Đặc biệt là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, các cam kết bảo đảm môi trường... theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nhằm phát huy hiệu quả trong lĩnh vực này cũng như góp phần đảm bảo anh ninh năng lượng, Bộ Công Thương sẽ đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các nhà đầu tư thủy điện nhỏ như điều chỉnh mức vốn tự có của Chủ đầu tư từ 30% theo quy định xuống 15%, thậm chí có cơ chế ưu tiên để các Chủ đầu tư được vay với lãi suất ưu đãi đầu tư cho dự án từ World Bank...

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tham mưu và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thu hút đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài trong đầu tư phát triển thủy điện nhỏ ở Việt Nam.

Chuyên đề