Thúc giải ngân đầu tư công: Bối cảnh đặc biệt cần cách làm đột phá

(BĐT) - 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công nếu được giải ngân bảo đảm tiến độ, hiệu quả, sẽ góp phần quan trọng kích cầu đầu tư xã hội, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân giảm sút do tác động của dịch Covid-19. Một số địa phương đề nghị, “bối cảnh đặc biệt cần cách làm đặc biệt”.
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

“Cú đấm thép” cho tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đánh giá, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công được nhiều tổ chức, chuyên gia nhận định là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo sức lan tỏa ra nền kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) được phép thực hiện trong năm 2020 là gần 700 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần số vốn thực giải ngân trong năm 2019 (312 nghìn tỷ đồng), bao gồm: 470,6 nghìn tỷ đồng trong dự toán năm 2020 và 225,2 nghìn tỷ đồng vốn năm 2019 chuyển sang.

Với số vốn đầu tư công cần giải ngân của Hà Nội năm 2020 khoảng 37 - 40 nghìn tỷ đồng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, nếu giải ngân hết thì đây là vốn mồi rất quan trọng, có tác động lan tỏa lớn, nhất là các công trình cấp bách về an sinh xã hội, công trình thiết yếu. Cụ thể, trong năm nay, Hà Nội có 125 dự án chuyển tiếp, đã hoàn thành  25 dự án trong quý I, và các quý khác sẽ tiếp tục thực hiện; 84 dự án mới đã khởi công và giải ngân được 30 dự án, còn lại đã làm xong tất cả thủ tục đầu tư và đang làm thủ tục chọn nhà thầu để có thể khởi công từ nay cho đến cuối năm.

Ông Vương Đình Huệ cho biết, dù ngân sách của Thành phố năm nay có thể sụt giảm 10 - 12 nghìn tỷ đồng, nhưng Thành phố quyết tâm không cắt giảm đầu tư công mà cố gắng cắt giảm 5% chi thường xuyên sau khi đã cắt giảm 10% so với dự toán trước đây và sử dụng nguồn kết dư ngân sách năm 2019 bù đắp thiếu hụt thu ngân sách theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, Quảng Ninh đặt quyết tâm cao, phấn đấu giải ngân 100% nguồn vốn trong quý II, chậm nhất trong quý III. 

Kiến nghị cách làm đặc biệt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần là giải ngân hết số vốn này và việc giải ngân phải thực hiện ngay từ những tháng đầu năm, không để dồn vào cuối năm. Thủ tướng nhấn mạnh chế tài đối với tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương để xảy ra tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công ở bộ, ngành, địa phương mình; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm, làm chậm, nhũng nhiễu, gây khó khăn trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thủ tướng cho biết, nếu đến tháng 9 không giải ngân được thì báo cáo Quốc hội, điều chuyển vốn, thành lập tổ công tác đặc biệt để kiểm tra vấn đề này…

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, các quy định mới về đầu tư công cơ bản đã giải quyết được các khó khăn, vướng mắc trước đây. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi NSNN để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, bảo đảm tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển…

Từ góc độ của Hà Nội, địa phương có số vốn cần giải ngân rất lớn, ông Vương Đình Huệ cho biết, Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, tổ đặc nhiệm để rà soát, tháo gỡ điểm nghẽn, thực hiện nhanh đầu tư công. Thành phố kiến nghị một số các giải pháp khác để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Trong đó, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP.HCM; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng trong thời gian tới. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số các công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… được lựa chọn nhà thầu theo Điều 26 Luật Đấu thầu (lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt), trên cơ sở rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5 - 7% chi phí dự toán.

Ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị nâng hạn mức chỉ định thầu, bởi theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong điều kiện bình thường, hạn mức như quy định là phù hợp, nhưng trong bối cảnh cần thúc đẩy tiến độ giải ngân thì nên nâng hạn mức để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu. Bên cạnh đó, với riêng tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, Tỉnh đang triển khai nhiều dự án, công trình tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chưa có trong Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) đã được Chính phủ phê duyệt, như cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3, Đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều giai đoạn 1,... Ông Nguyễn Văn Thắng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Tỉnh khởi công ngay các dự án, và Tỉnh cam kết sẽ cập nhật ngay các dự án trong quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng trong quý IV/2020.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất cơ chế để vốn ngân sách tỉnh tham gia vào dự án PPP đang thực hiện, vì một số doanh nghiệp triển khai dự án PPP bị ảnh hưởng về tài chính do tác động của dịch Covid-19, nếu có một phần hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì các dự án cũng được đẩy nhanh tiến độ.

Chuyên đề