Thử nghiệm công nghệ bóc tái chế nguội tại Hòa Bình

(BĐT) - Vào lúc 9 giờ sáng ngày 1/7, tại Hòa Bình, Ban quản lý dự án 3 thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức buổi thử nghiệm công nghệ bóc tái sinh nguội lớp bê tông nhựa tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng do Công ty CP Hoàng An thực hiện.
Gói thầu thi công thử nghiệm công nghệ mới là Gói thầu số 10: “Thiết kế và thi công xây dựng công trình đoạn Km447+760 – Km448+000” . Ảnh: Việt Anh
Gói thầu thi công thử nghiệm công nghệ mới là Gói thầu số 10: “Thiết kế và thi công xây dựng công trình đoạn Km447+760 – Km448+000” . Ảnh: Việt Anh

Đây là buổi thử nghiệm thứ hai đối với dàn máy tái chế nguội mới, nhằm tiến tới đưa công nghệ ứng dụng rộng rãi trong các hoạt động bảo trì đường bộ tại Việt Nam. Trước đó, buổi thử nghiệm đầu tiên của dàn máy này được tiến hành vào đêm ngày 24/6/2017, tại Hà Nội, trên tuyến đường Yên Phụ.

Gói thầu thi công thử nghiệm công nghệ mới là Gói thầu số 10: “Thiết kế và thi công xây dựng công trình đoạn Km447+760 – Km448+000”  thuộc công trình Sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đượng đoạn K445+000 – Km503+000 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình.

 Theo ông Hoàng Quốc Thêm, Chủ tịch HĐQT Công ty, dàn máy công nghệ mới có nhiều ưu điểm, triệt tiêu được các hạn chế so với việc bảo trì truyền thống như: giảm vật liệu thải gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng nguyên nhiên vật liệu thi công, triệt tiêu được hạn chế về nâng cao độ mặt đường… Hơn nữa, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ này của nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, chất lượng công trình bảo trì tốt hơn nhiều so với chất lượng công trình thi công bảo trì theo kiểu truyền thống. “Nếu như với cách bảo trì truyền thống có thể kết cầu không đồng bộ, nhưng với công nghệ mới này kết cấu đồng bộ, các chỉ số đều tốt hơn so với công nghệ cũ khoảng 1,3-1,5 lần”, ông Thêm cho biết.

Đánh giá cao kết quả thu được tại buổi thử nghiệm, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) nhận xét, bước đầu ứng dụng công nghệ bóc tái sinh nguội lớp bê tông nhựa tại chỗ bằng bitum bọt và xi măng cho thấy cường độ mặt đường bảo trì hơn hẳn cường độ mặt đường được bảo trì theo hình thức truyền thống, từ đó có thể kéo dài tuổi thọ của công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn. Thứ hai, khi sử dụng công nghệ này không phải đổ bỏ phần mặt đường cũ đã cào bóc để thi công bảo trì mà phần vật liệu này được tái chế lại, công trình thi công nhanh… Nhìn từ thực tế công tác bảo trì đường bộ hiện nay, ông Huyện cho rằng, đã đến lúc Việt Nam không thể chần chừ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo trì đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Đã đến lúc Việt Nam không thể chần chừ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào công tác bảo trì đường bộ nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Ảnh: Việt Anh

Theo Quyết  định số 2237/QĐ-TCĐBVN của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 10: “Thiết kế và thi công xây dựng công trình đoạn Km447+760 – Km448+000” thuộc công trình Sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường đoạn K445+000 – Km503+000 đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hòa Bình, nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Hoàng An với giá trúng thầu 989 triệu đồng.

Chuyên đề