Thời điểm tốt để điều chỉnh chiến lược thu hút FDI

(BĐT) - Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh hấp dẫn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI),  giúp chúng ta đứng ở một vị thế chủ động hơn trong lựa chọn dự án FDI. Sự chủ động cho phép Việt Nam có quyền đưa ra bộ lọc, sàng lọc, lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có nhiều chia sẻ với báo chí xung quanh định hướng thu hút FDI thời gian tới.
Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Ảnh minh họa
Sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Ảnh minh họa

Dấu hiệu tích cực từ vốn FDI giải ngân tăng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong năm 2018, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Con số vốn giải ngân có ý nghĩa nhiều hơn là con số đăng ký, sẽ bổ sung nguồn vốn thực cho nền kinh tế, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đang được cải thiện, nhiều rào cản, khó khăn của doanh nghiệp (DN), trong đó có DN FDI, đã được tháo gỡ. Niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường thể chế, chính sách của Việt Nam được củng cố. Nhà đầu tư cũng nhìn thấy hiệu quả đầu tư tăng lên thì mới giải ngân thực sự vào nền kinh tế.

Bộ trưởng khẳng định, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tính đến 20/12/2018, cả nước có 27.353 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 340,1 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Khu vực FDI đã đóng góp khoảng 27% GDP, 70 - 71% tổng kim ngạch xuất khẩu, 17% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết công ăn việc làm cho 8 - 9 triệu lao động, thúc đẩy quá trình cải cách hoàn thiện cơ chế thị trường...

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, cũng còn nhiều mặt hạn chế trong thu hút FDI như công nghệ chưa cao, chủ yếu là công nghệ trung bình, thâm dụng nhiều lao động, tài nguyên, giá trị gia tăng thấp. Liên kết lan tỏa giữa DN FDI và DN trong nước chưa chặt, sự tham gia của DN Việt Nam vào chuỗi giá trị của DN FDI còn ít. Chuyển giao công nghệ còn hạn chế. Một số DN vi phạm pháp luật về môi trường, chuyển giá, trốn thuế, đầu tư chui.

Nhiều lợi thế để có quyền lựa chọn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, có lợi thế so sánh rất tốt trong thu hút FDI. Lợi thế đến từ cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra làn sóng chuyển dịch đầu tư lớn, chủ yếu sang Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Với lợi thế này, Việt Nam đã ở vị thế có quyền chọn lọc thu hút dự án FDI qua bộ lọc của mình. Định hướng thu hút và sử dụng vốn FDI phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa DN FDI với DN trong nước.

 “Một trong những ưu tiên hàng đầu trong thu hút FDI là các dự án có công nghệ cao, không ảnh hưởng đến môi trường. Đây sẽ là một thông điệp tốt đối với thế giới về hình ảnh một Việt Nam đang đi theo con đường tăng trưởng xanh, bền vững, từ đó cũng tạo ra sức hấp dẫn hơn để thu hút nhà đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng cần có sự linh hoạt, không quá cứng nhắc đối với tất cả các địa phương. Đối với những địa phương có trình độ phát triển cao về kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực như Hà Nội, TP.HCM, tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại, nghiên cứu và phát triển để hình thành trung tâm tài chính, công nghệ quốc gia và khu vực. Nhưng đối với một số địa phương còn khó khăn, bên cạnh những dự án thuộc ngành, lĩnh vực tập trung ưu tiên, dự án tạo ra giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh và tự động hóa, cũng sẽ tạo điều kiện thu hút các dự án FDI trong những ngành sử dụng lao động phổ thông, lắp ráp giản đơn trong một giai đoạn nhất định để góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển hướng thu hút FDI sang ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn.

Về thị trường và đối tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút FDI từ nhiều thị trường và đối tác. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng các nước phát triển, các nước G7 để chủ động thu hút nhà FDI tiềm năng từ các quốc gia này đầu tư vào những dự án công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, dịch vụ hiện đại, có hiệu ứng lan tỏa cao trong nền kinh tế.

Song song với thay đổi chiến lược, chính sách thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, phải thực hiện đồng thời các chính sách để tạo thuận lợi cho các DN đang hoạt động, tháo gỡ khó khăn, đối xử bình đẳng, minh bạch, nhưng vẫn có cơ chế riêng đối với các DN FDI lớn có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng để họ kinh doanh thuận lợi, mở rộng sản xuất, đóng góp nhiều hơn, lan tỏa nhiều hơn cho nền kinh tế.      

Chuyên đề