Thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết bức xúc về dự án BOT

(BĐT) - Qua giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT”, nguyên nhân của nhiều bức xúc trong triển khai các dự án BOT đã được nhận diện rõ nét. 
Khi được lựa chọn, các nhà đầu tư chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện dự án BOT. Ảnh: Lê Tiên
Khi được lựa chọn, các nhà đầu tư chủ yếu áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện dự án BOT. Ảnh: Lê Tiên

Việc cấp thiết hiện nay, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), là sớm xây dựng Luật về PPP với các quy định thỏa mãn được lợi ích của cả 3 bên: người dân, nhà đầu tư và Nhà nước.

Sớm trình Quốc hội Luật về PPP

Theo Báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp thứ 13 của UBTVQH, hành lang pháp lý về PPP phụ thuộc vào các luật chuyên ngành, trong khi những văn bản này chủ yếu được xây dựng để điều chỉnh hoạt động đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân một cách riêng biệt. Mặc dù những bất cập này đã được giải quyết phần nào thông qua các nghị định của Chính phủ, nhưng cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư vẫn còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến quy trình, thủ tục và nội dung cần thiết để thực hiện quyết định đầu tư dự án; công tác giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt là công tác quản lý phần vốn góp của Nhà nước;...

Do khung pháp lý chưa thực sự hoàn thiện, nhiều nội dung khi thực hiện một dự án PPP theo loại hợp đồng BOT cần được xử lý nhưng vượt thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành, nên quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, việc thực thi trách nhiệm cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đảm bảo hiệu lực.

UBTVQH đánh giá, việc đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có hợp đồng BOT, đã tạo cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội, góp phần giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục khẳng định tính đúng đắn và triển khai thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó chú trọng hình thức PPP, để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, hạn chế lớn nhất là đến nay vẫn chưa có Luật về PPP, mà văn bản pháp lý cao nhất chỉ là Nghị định của Chính phủ. Cùng với đó, những quy định thiếu đồng bộ từ khâu chuẩn bị tới thực hiện vẫn là quan ngại rất lớn đối với nhà đầu tư. “Nếu có cơ sở pháp lý cao về PPP là Luật thì việc huy động vốn sẽ tốt hơn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Do đó, nhiều thành viên của UBTVQH cho rằng, cần sớm tổng kết việc triển khai thực hiện các mô hình đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua để đánh giá những mặt được và những hạn chế, bất cập, từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục, khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực thực sự tham gia đầu tư và quản lý các dự án hiệu quả, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Trên cơ sở đó, nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật về PPP tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất, đồng bộ cho hình thức đầu tư này. 

Hạn chế tối đa chỉ định nhà đầu tư

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong thời gian qua, các dự án chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu. Lý do được đưa ra là vì yêu cầu cấp bách của dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hoặc đăng tải trên Báo Đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm. Cụ thể, theo thống kê, chỉ có 1 dự án đấu thầu, 48 dự án chỉ định nhà đầu tư và 21 dự án đấu thầu chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm. Chính phủ cũng nhận định, việc chỉ định nhà đầu tư còn bất cập là chưa có tính cạnh tranh.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT trong giai đoạn vừa qua, chủ yếu các nhà đầu tư áp dụng hình thức chỉ định thầu và tự thực hiện để lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện dự án. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra cho thấy, do các nhà đầu tư trong nước hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm về quản lý dự án, quản lý công tác đấu thầu nên công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu còn tồn tại nhất định.

Từ đó, báo cáo của Chính phủ đã đề xuất giải pháp cho việc lựa chọn nhà đầu tư bằng việc nghiên cứu điều chỉnh Nghị định số 30/2015/NĐ-CP theo hướng hạn chế tối đa các dự án triển khai theo hình thức chỉ định nhà đầu tư.

Qua giám sát, UBTVQH đánh giá, việc chỉ định thầu hầu hết các dự án thời gian qua làm hạn chế tính cạnh tranh, làm giảm hiệu quả đầu tư; quy định về tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chưa hợp lý nên một số nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm hạn chế. Trước khi Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP được ban hành, nhà đầu tư được giao quá nhiều quyền, trong khi vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước khá mờ nhạt.

Nhấn mạnh vấn đề này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện các dự án BOT chưa được tiến hành theo thủ tục đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, mà chỉ áp dụng chỉ định thầu. Do đó, vấn đề năng lực tài chính nhà đầu tư đã bộc lộ những hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân hàng, hay vốn ứng trước của Nhà nước, trong khi vốn có sẵn không nhiều.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày tỏ quan điểm việc lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu là chỉ định thầu đã dẫn đến việc có nhà đầu tư chưa biết gì về kỹ thuật làm đường mà đi làm đường. Trong khi chất lượng đường giao thông lại ảnh hưởng đến tính mạng của con người. “Do đó, phải rà soát chân thực, xác đáng để làm lại một cách thận trọng, hợp với lòng dân” - ông Giàu nhấn mạnh.

Chuyên đề