Thắt chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công

(BĐT) - Khởi động triển khai kế hoạch cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công từ năm 2011 đã tạo những chuyến biến rõ rệt trong quản lý đầu tư công giai đoạn 2011 - 2015. 
Nợ đọng xây dựng cơ bản tập trung chủ yếu ở khối địa phương vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Hoài Nam
Nợ đọng xây dựng cơ bản tập trung chủ yếu ở khối địa phương vẫn chưa được xử lý triệt để. Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, tình trạng lãng phí, phân tán, kém hiệu quả trong đầu tư công vẫn chưa được giải quyết triệt để, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp để tiếp tục tái cơ cấu đầu tư công, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn này.

Dàn trải, lãng phí vẫn là căn bệnh của đầu tư công

Nhìn lại những chuyển biến của đầu tư công trong giai đoạn 2011 - 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, một trong những kết quả quan trọng đạt được là nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) được quyết liệt xử lý và kiềm chế, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí bước đầu được khắc phục. Số nợ đọng XDCB đã giảm mạnh so với giai đoạn trước. Tổng số nợ đọng XDCB nguồn ngân sách trung ương đến hết ngày 31/12/2014 là 9.048,733 tỷ đồng, trong đó tất cả các bộ, ngành trung ương và địa phương đã có kế hoạch thanh toán đủ 100% số nợ đọng XDCB đến hết năm 2020.

Trong giai đoạn 2012 - 2015, đã bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước cho gần 10.200 dự án đã hoàn thành; số dự án khởi công mới giảm đáng kể so với giai đoạn trước (khoảng 4.250 dự án) và chỉ bố trí khởi công mới khi xác định được rõ nguồn vốn, chuyển tiếp sang giai đoạn 2016 - 2020. Số vốn bố trí bình quân cho 1 dự án kế hoạch năm sau cao hơn năm trước, năm 2015 tăng 86% so với năm 2012, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí.

Việc bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã được rà soát chặt chẽ. Các dự án khởi công mới phải được thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước khi ra quyết định đầu tư.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng nhìn nhận, tình trạng lãng phí, thất thoát, phân tán trong đầu tư công vẫn còn phức tạp, chưa được giải quyết triệt để. Một số bộ, ngành trung ương và địa phương vẫn đề xuất khởi công mới các dự án trong khi chưa cân đối đủ nguồn vốn để thanh toán nợ đọng XDCB hoặc mức vốn bố trí quá thấp, không bảo đảm hoàn thành dự án theo thời gian, tiến độ. Nợ đọng XDCB chưa được xử lý triệt để và chủ yếu tập trung ở khối địa phương. Giai đoạn 2011 - 2015, trung bình mỗi năm bố trí vốn đầu tư từ ngân sách trung ương cho khoảng 6.068 dự án, trong đó có khoảng hơn 1.000 dự án khởi công mới mỗi năm. 

Nhận diện nguyên nhân

Trong các nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm kha của đầu tư công chưa được trị dứt điểm, Bộ KH&ĐT cho biết có việc trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB, do mong muốn đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào sử dụng, ở nhiều nơi yêu cầu hoặc cho phép nhà thầu tự bỏ vốn để thi công vượt quá số vốn được bố trí trong kế hoạch, gây nợ đọng XDCB.

Trong công tác chuẩn bị đầu tư, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án chỉ mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn. Khi dự án đã được quyết định đầu tư và bố trí vốn mới thực sự tiến hành chuẩn bị đầu tư, nên chưa thể tiến hành thi công và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao. Vì vậy, trong nhiều trường hợp phải điều chỉnh lại quyết định đầu tư và tổng mức đầu tư gây khó khăn trong việc cân đối vốn và làm chậm tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của dự án.

Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra còn việc buông lỏng quản lý, chủ trương đầu tư không đúng, quyết định đầu tư các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng, hỗ trợ của ngân sách cấp trên, dẫn đến việc bố trí vốn nhỏ giọt, thời gian thi công kéo dài.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với Bộ KH&ĐT còn nhiều bất cập; chất lượng quy hoạch còn thấp; công tác giải phóng mặt bằng nhiều trở ngại; năng lực quản lý của nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án còn yếu;…

Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu chung của Kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 là nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công. Thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước bình quân giai đoạn đạt khoảng 10 - 11% GDP.

Chuyên đề