Thành lập Tổ công tác đặc biệt: Hành động để thu hút FDI chất lượng cao

(BĐT) - Trong khi cả thế giới đang căng mình chống dịch thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt, bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Nhờ đó, giới chuyên gia quốc tế nhìn nhận, trong làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế. Để không bỏ lỡ cơ hội, Việt Nam sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt đón làn sóng FDI mới này.
Tổ công tác đặc biệt cần nghiên cứu về thể chế, xây dựng lực lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước mạnh để đón vốn FDI. Ảnh: Lê Tiên
Tổ công tác đặc biệt cần nghiên cứu về thể chế, xây dựng lực lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước mạnh để đón vốn FDI. Ảnh: Lê Tiên

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập Tổ công tác đặc biệt này. Theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương cần có hành động cụ thể với tinh thần “tiến công, chủ động hơn”, để tranh thủ dòng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam, trọng tâm là các tập đoàn đa quốc gia lớn có công nghệ cao và đứng đầu các chuỗi cung ứng. “Nếu cứ “bình bình”, theo cách làm cũ, trì trệ và không đổi mới thì khó thành công”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Bình luận về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt, TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - cho rằng, đây là việc thực sự cần thiết bởi cách lựa chọn các dự án FDI xưa nay không còn phù hợp. Tổ công tác đặc biệt sẽ thay đổi cách lựa chọn để làm sao chỉ đón dòng vốn chất lượng cao.

Theo TS. Trần Đình Thiên, FDI toàn cầu đang dịch chuyển mạnh, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn, song thách thức cũng lớn. Thách thức lớn bởi năng lực hấp thụ dòng vốn FDI theo đúng yêu cầu còn hạn chế, trong khi dòng vốn FDI chất lượng thấp sẵn sàng đổ vào Việt Nam lại rất lớn. Để vượt thách thức, đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi Tổ công tác đặc biệt vừa phải có năng lực, vừa phải có thẩm quyền.

“Thành viên Tổ công tác phải là những người có tầm nhìn, năng lực, ra được quyết định hoặc ít nhất cũng ra được tiêu chuẩn để lựa chọn dự án. Đồng thời, phải có thẩm quyền. Những trói buộc về thể chế xưa nay vẫn nặng, nếu thành viên Tổ công tác đặc biệt mà không đủ thực quyền để xử lý nhằm đáp ứng nhu cầu về thời gian, tiến độ thì rất khó”, ông Thiên nói.

Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Tổ công tác đặc biệt sẽ chủ động tìm nguồn vốn tốt, chất lượng, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. “Nhiệm vụ của Tổ công tác đặc biệt không phải ngồi yên chờ vốn chảy vào mà chủ động tìm được dòng vốn chất lượng, làm thay đổi cơ cấu kinh tế, giúp Việt Nam phát triển khoa học và công nghệ. Tổ công tác đặc biệt nghiên cứu về thể chế để tạo sức hấp dẫn, như một cái hub (trung tâm) để thu hút các doanh nghiệp đầu đàn trên thế giới về Việt Nam”, ông Lịch kỳ vọng.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ hội dù lớn nhưng không chỉ dành riêng cho Việt Nam, rất nhiều quốc gia khác cũng chuẩn bị kỹ để đón dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… Việt Nam có tận dụng, đón đầu được làn sóng đầu tư này hay không, và đón như thế nào là câu chuyện cần bàn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, thời cơ hiện nay lớn hơn các thời cơ trước, khi chúng ta đang có đủ tâm thế, năng lực để đón nhận dòng vốn này. Việt Nam cũng không thể ôm hết, mà phải lựa chọn, ưu tiên công nghệ cao, có chuyển giao, những gì có thể lan tỏa tới doanh nghiệp trong nước, tránh xa công nghệ lạc hậu, huỷ hoại môi trường. Chính phủ cần nhanh chóng thúc đẩy việc cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Các thủ tục đầu tư phải được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép.

Song song với chính sách thu hút FDI, theo ông Toàn, cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp nội địa. Không thể ưu ái thu hút FDI mà quên nhà đầu tư trong nước.

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, phải phát triển được lực lượng doanh nghiệp trong nước thì mới xây dựng được Việt Nam thịnh vượng. Nguồn vốn FDI vào không chuyển giao được công nghệ, từ đó làm khó, thậm chí gây áp lực phát triển lên Việt Nam.

Còn theo nhận xét của TS. Trần Du Lịch, doanh nghiệp Việt nhạy bén, chỉ có chính sách phải điều chỉnh làm sao để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu. “Chúng ta duy trì quá lâu chính sách cho công nghiệp gia công. Từ lâu rồi tôi đề xuất phải có một đạo luật về công nghiệp hỗ trợ, để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó mới phát triển được”, ông Lịch nói.

Chuyên đề