Thách thức tăng trưởng thương mại

(BĐT) - Mặc dù thị trường trong nước 6 tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của Bộ Công Thương, vẫn có những yếu tố cho thấy dư địa để đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nếu quyết liệt triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất và kích thích tiêu dùng trong nước. 
Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2016 tăng 11% so với năm 2015. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2016 tăng 11% so với năm 2015. Ảnh: Lê Tiên

Vẫn còn khó khăn, thách thức

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiệu ứng từ các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm sẽ tác động tích cực tới sản xuất, tiêu dùng trong nước. Cụ thể, các tác động này sẽ thể hiện ở yếu tố chỉ báo quan trọng là CPI dự kiến sẽ được kiểm soát ở mức thấp theo mục tiêu kế hoạch đề ra, khoảng 5%. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng khác là lãi suất cho vay có điều kiện để giảm do thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào, hỗ trợ tích cực cho nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm. Ngoài ra, 6 tháng cuối năm cũng là giai đoạn có mức mua sắm, tiêu dùng cao hơn do có nhiều dịp lễ, tết. Đây là yếu tố tạo cơ hội thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và thị trường trong nước phát triển ở những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng dự báo, vẫn có nhiều khó khăn có khả năng tác động tới tăng trưởng thương mại trong nước 6 tháng cuối năm. Đó là diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cao về giá cả một số loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trên thị trường thế giới, tạo sức ép lạm phát gia tăng. Đặc biệt, mặt bằng giá và CPI của năm 2016 cao hơn nhiều so với mức bình quân của năm 2015 trong khi thu nhập chưa có nhiều thay đổi nên khả năng mua hàng của người dân khó có điều kiện được cải thiện.

“Đây sẽ là những yếu tố kìm hãm thị trường trong 6 tháng cuối năm. Cần có giải pháp để khắc phục những khó khăn này nhằm tận dụng dư địa thuận lợi để thúc đẩy thị trường trong nước tăng trưởng” - đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Duy trì các cân đối lớn tác động tới sản xuất và tiêu dùng

Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để có chính sách điều hành cung cầu hợp lý, trong đó tập trung chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ.
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn và diễn biến các yếu tố chủ yếu tác động tới xu hướng sản xuất, tiêu dùng trên thị trường trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2016 đạt mức tăng trưởng 11% so với năm 2015. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, cần bảo đảm ổn định và duy trì các chỉ số và cân đối lớn có tác động tới sản xuất và tiêu dùng trong nước để làm nền tảng cho thực thi có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy sản xuất và kích thích tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, một giải pháp hết sức quan trọng trong chính sách điều hành tài chính tiền tệ là kiểm soát và điều hành tốt tỷ giá trước áp lực biến động giá trị của các đồng tiền mạnh để bảo đảm hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, ổn định thị trường trong nước.

“Về các giải pháp cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để có chính sách điều hành cung cầu hợp lý, trong đó tập trung chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ. Đây cũng được coi là giải pháp cơ bản để ổn định và phát triển tổng cầu, tăng tiêu dùng, kích thích tăng trưởng” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, Bộ sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại nội địa; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước để tăng lưu chuyển, tiêu dùng hàng hóa trong nước. Về giải pháp phát triển thị trường bán lẻ, sẽ tập trung triển khai nghiên cứu ngay hệ thống bán lẻ để có các biện pháp không trái với các cam kết quốc tế nhưng vẫn phải bảo đảm cạnh tranh công bằng trên thị trường, hỗ trợ các nhà bán lẻ trong nước phát triển trong trước mắt và trước khi mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ cho EU và các nước TPP.

Đánh giá những tồn tại trong công tác phát triển thị trường trong nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, hoạt động quản lý thị trường có mặt còn bất cập, thị trường bán lẻ đang ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt và yếu thế khi nhiều DN bán lẻ lớn bị nước ngoài chi phối. Để khắc phục những tồn tại này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tăng cường công tác quản lý thị trường, có biện pháp hữu hiệu để chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, đồng thời xem xét áp dụng hàng rào kỹ thuật không trái với các quy định của WTO.

Chuyên đề