Sửa Luật Đầu tư công: Tăng phân cấp, giảm thủ tục

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang lấy ý kiến để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. 
Việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công sẽ tháo gỡ 3 nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu. Ảnh: Lê Tiên
Việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công sẽ tháo gỡ 3 nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu. Ảnh: Lê Tiên

Việc sửa đổi này, theo Bộ KH&ĐT, sẽ có tác động lớn đến công tác quản lý vốn đầu tư công, tăng cường phân cấp, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai dự án.

Luật Đầu tư công đã có hiệu quả tích cực

Theo Bộ KH&ĐT, triển khai Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã ngăn ngừa được sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư; đã phân cấp mạnh mẽ cho các bộ, ngành trung ương và địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, đi cùng với các chế tài nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư. Luật bổ sung quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn trước khi quyết định chủ trương đầu tư, tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công, bảo đảm bố trí vốn một cách tập trung cho các mục tiêu, dự án ưu tiên cần thiết phải đầu tư, khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án, đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.

Việc bố trí vốn đầu tư được tập trung hơn trước, đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình, dự án vào sử dụng phát huy hiệu quả; đã dành số vốn đáng kể để thanh toán vốn ứng trước và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó, đã giải quyết thanh toán 100% số vốn nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách trung ương; hoàn trả 68,4% số vốn ứng trước kế hoạch của giai đoạn trước chưa có nguồn để hoàn trả; số lượng dự án khởi công mới giảm mạnh. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đặc biệt, công tác lập kế hoạch đầu tư đã đổi mới từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, vừa bảo đảm các cân đối kinh tế lớn trong phạm vi cả nước, vừa tạo sự chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, tạo ra sự công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai Luật vẫn còn một số hạn chế. Theo Bộ KH&ĐT, có nhiều đơn vị đề xuất và triển khai thực hiện một số nội dung không đúng với các quy định của pháp luật, trái thẩm quyền; một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn không phù hợp với các nguyên tắc, tiêu chí, nên phải điều chỉnh kế hoạch giao vốn nhiều lần và kéo dài thời gian giao vốn.

Chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng một số dự án chuẩn bị đầu tư và phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án mang tính hình thức để có điều kiện ghi vốn; phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, dẫn đến sau khi bố trí kế hoạch lại yêu cầu điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thậm chí phải thẩm định lại nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Tiếp tục hoàn thiện quy định về đầu tư công

Qua thực tiễn triển khai thực hiện Luật Đầu tư công thời gian qua cho thấy quy định tại Luật cơ bản phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, quản lý đầu tư công nên đã phát huy được những tác động tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với thực tế, tháo gỡ khó khăn cho bộ, ngành và địa phương.

Một số quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công như việc điều chỉnh giữa các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, chưa thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan, chưa thống nhất với các quy định khác tại Luật và chưa phù hợp với thực tế.

Từ thực tế đó, việc xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công sẽ tháo gỡ 3 nhóm vấn đề vướng mắc chủ yếu, gồm nhóm vấn đề liên quan đến đối tượng dự án; nhóm vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục và nhóm vấn đề còn chưa thống nhất giữa các luật liên quan đến đầu tư công.

Trong đó, dự thảo Luật Sửa đổi chú trọng đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công, từ phân cấp điều chỉnh dự án đến phân cấp phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư gắn với trách nhiệm của từng cấp.

Chuyên đề