Số phận trầy trật của dự án Vũng Tàu Paradise sẽ được thay đổi

(BĐT) - Sau 25 năm hoạt động trầy trật, dự án Vũng Tàu Paradise đầy tai tiếng ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BRVT) cuối cùng đã sắp có chủ khác.
Số phận trầy trật của dự án Vũng Tàu Paradise sẽ được thay đổi

Một cứu cánh mới

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Công ty cổ phần XNK khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) làm việc với UBND tỉnh BRVT và các Bộ, ngành liên quan để được hướng dẫn đầu tư dự án khu đô thị, du lịch, văn hóa và thể thao tại khu đất Paradise, thành phố Vũng Tàu.

Nhiều khả năng, việc lựa chọn nhà đầu tư mới cho dự án này thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh BRVT. Dù còn phải chờ đợi kết quả cuối cùng ra sao, nhưng những thông tin ban đầu nói trên đang hứa hẹn mở ra một cứu cánh mới cho dự án này.

Như Báo Đấu thầu đã thông tin, dự án Vũng Tàu Paradise đã chính thức hết hạn từ tháng 4/2016. Trước đó, phía nhà đầu tư Đài Loan trong liên doanh dự án muốn được gia hạn giấy phép để tiếp tục đầu tư dự án hoặc giao đất để họ mời gọi đối tác khác vào đầu tư nhưng UBND tỉnh BRVT đã không chấp nhận.

Ông Nguyễn Phước Lễ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BRVT cho biết, mục tiêu mới của tỉnh là kêu gọi nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch để tiếp tục triển khai dự án này sau khi hoàn tất công việc thanh lý.

Trong thông báo số 202 về chủ trương lựa chọn nhà đầu tư cho khu vực Paradise - Bãi Sau, được phát đi hồi tháng 8/2016, Thường trực Tỉnh ủy tỉnh BRVT yêu cầu: vốn đầu tư của dự án phải từ 2 tỷ USD trở lên; vốn chủ sở hữu phải đáp ứng tối thiểu 25% tổng vốn đầu tư của dự án; trong đó thời gian hoàn thành dự án tối đa là 3 năm.

Khu đất “độc nhất vô nhị”

Dự án Vũng Tàu Paradise  được cấp phép từ năm 1991, với tổng vốn đầu tư 97,2 triệu USD, trong đó phía Công ty Paradise Development and Investment của Đài Loan góp 75% vốn điều lệ và Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Vũng Tàu góp 25% vốn điều lệ bằng quyền sử dụng 220 ha đất.

Trái với mong đợi, khoản lợi nhuận khổng lồ khoảng 50 triệu USD mà phía đối tác Việt Nam tin là sẽ thu được sau 25 năm liên doanh không những không đạt được mà còn lại gặp nhiều rắc rối khi liên doanh này chìm ngập trong nợ nần.

Tính đến nay, các hạng mục chính được đầu tư theo cam kết trong suốt vòng đời của dự án này chỉ là sân golf 27 lỗ rộng 130 ha, đưa vào hoạt động từ năm 1995 và một số hạng mục nhỏ như khu thể thao dưới nước, khách sạn 38 phòng và khu nhà rông 54 căn, số còn lại đều đình trệ từ đó đến nay.

Tháng 4 năm ngoái, khi đã hết hạn, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BRVT cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh xem xét gia hạn thêm thời gian hoạt động của dự án này khoảng 3 tháng để chủ đầu tư bảo quản tài sản, đồng thời thực hiện các thủ tục thanh lý dự án theo quy định.

Dự án nói trên sở hữu khu đất vàng 220 ha còn sót lại thuộc dạng “độc nhất vô nhị” tại thành phố biển Vũng Tàu. Trước đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang nhòm ngó đến dự án này, nhưng tỉnh BRVT chưa chốt lại phương án cụ thể nào cho đến khi có chỉ đạo trên của Thủ tướng.

Chuyên đề