Sẽ bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án PPP

(BĐT) - Theo quy định hiện hành tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT) đối với các dự án PPP quan trọng quốc gia, dự án của các bộ, ngành và dự án trên địa bàn 2 tỉnh/thành phố trở lên.
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thường kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thường kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện dự án PPP. Ảnh: Lê Tiên

UBND tỉnh cấp GCNĐKĐT các dự án nhóm A, B, C thuộc địa phương mình. Thời hạn cấp GCNĐKĐT tối đa 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bộ KH&ĐT đánh giá, thực tiễn triển khai xảy ra một số vướng mắc là thủ tục cấp GCNĐKĐT thường kéo dài, làm chậm tiến độ thực hiện dự án. Thủ tục cấp GCNĐKĐT được thực hiện sau khi các bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu, đàm phán và ký kết thỏa thuận đầu tư với nhà đầu tư, do đó, việc thẩm tra lại dự án khi đã hoàn tất giao dịch theo thị trường sẽ không đảm bảo tính khoa học. Trong quá trình triển khai, dự án đã thực hiện lấy ý kiến các sở, ngành liên quan trong các quá trình nghiên cứu, lập dự án; lập, phê duyệt hồ sơ mời thầu; đàm phán hợp đồng với nhà đầu tư. UBND cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt dự án và ký kết hợp đồng, đồng thời là cơ quan thẩm tra và cấp GCNĐKĐT. Vì vậy, việc tiếp tục lấy ý kiến các sở, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình thẩm tra, cấp GCNĐKĐT là thủ tục không cần thiết.

Bên cạnh đó, thông lệ quốc tế không quy định việc cấp GCNĐKĐT đối với dự án PPP; thay vào đó, hợp đồng PPP được xem là cơ sở pháp lý quan trọng nhất của dự án. Vì thế, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 15/2015/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT đề xuất bãi bỏ thủ tục này. Việc bãi bỏ thủ tục này, theo Bộ KH&ĐT, sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, phù hợp với các quy định quốc tế, mà vẫn không ảnh hưởng đến công tác quản lý dự án PPP.       

Chuyên đề