Rút ngắn thời gian đầu tư hồ chứa nước Ka Pet

(BĐT) - Dự án Hồ chứa nước Ka Pét là một trong những công trình quan trọng có tính quyết định đối với việc cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
Chủ trương xây dựng hồ chứa nước Ka Pét tại Hàm Thuận Nam được kỳ vọng tạo nguồn cung cấp nước ổn định, cải thiện tình trạng khô hạn trên địa bàn. Ảnh: NC st
Chủ trương xây dựng hồ chứa nước Ka Pét tại Hàm Thuận Nam được kỳ vọng tạo nguồn cung cấp nước ổn định, cải thiện tình trạng khô hạn trên địa bàn. Ảnh: NC st

Cho ý kiến tại buổi họp tổ về chủ trương đầu tư Dự án, phần lớn các đại biểu Quốc hội đều đồng tình. Tuy nhiên, do Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng, thời gian thực hiện Dự án tương đối dài nên các đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc trồng rừng thay thế cũng như tìm cách rút ngắn thời gian đầu tư, đảm bảo hiệu quả Dự án.

Huyện Hàm Thuận Nam là huyện khô hạn thường xuyên của tỉnh Bình Thuận. Chủ trương xây dựng hồ chứa nước Ka Pét tại Hàm Thuận Nam được địa phương kỳ vọng tạo nguồn cung cấp nước ổn định phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước cho sinh hoạt của người dân; cấp nước cho sản xuất công nghiệp của Khu công nghiệp Hàm Kiệm II. Cùng với đó là cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ du sông Cà Ty (giảm lưu lượng đỉnh lũ 320 m3/s, giảm mực nước lũ 55 cm) đi qua TP. Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái do tăng lưu lượng xả nước về hạ du trong mùa khô.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn Núi Ông. Quy mô Dự án gồm hồ chứa, đập đầu mối, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu mối, công trình điều tiết, hệ thống kênh và các công trình phụ trợ. Tổng diện tích đất của Dự án là 693,31 ha. Trong đó, diện tích đất rừng là 680,41 ha, gồm: 162,55 ha rừng đặc dụng, 0,91 ha rừng phòng hộ; 471,09 ha rừng sản xuất… Tổng mức đầu tư của Dự án là 585,647 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương và địa phương.

Theo báo cáo của Chính phủ, diện tích rừng đặc dụng chỉ chiếm 0,6% diện tích lâm phần, thuộc ranh giới phía ngoài của khu bảo tồn, chất lượng rừng ở khu vực này ở mức trung bình, không phải là nơi sinh sống thường xuyên của loại động, thực vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (đoàn Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh, phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề trồng rừng thay thế. Bởi việc trồng rừng thay thế sẽ có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, chống xói mòn…

Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ quan điểm, Chính phủ cần phân tích rõ về hiệu quả của Dự án.

Góp ý cho chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên), đại biểu Hoàng Đức Thắng, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cho rằng, thời gian thực hiện Dự án trong 5 năm (2019 - 2024) là quá dài so với tổng mức đầu tư và tính cấp thiết của Dự án. Nên rút ngắn thời gian đầu tư Dự án xuống còn 3 năm.

Thông tin thêm về vai trò của Dự án đối với phát triển kinh tế - xã hội của Bình Thuận, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (đoàn Bình Thuận) chia sẻ, tỉnh Bình Thuận đã chuẩn bị cho Dự án nhiều năm, nhưng do chưa có tiền đầu tư nên phải chờ tới giai đoạn hiện nay, sau khi sắp xếp được nguồn vốn, mới báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội cho thực hiện Dự án.

Vấn đề quan trọng nhất của Dự án là cân nhắc về việc “đánh đổi” diện tích rừng đặc dụng lấy nguồn nước. Qua nhiều tính toán, tỉnh Bình Thuận lựa chọn giải pháp tối ưu là trồng rừng thay thế diện tích đã lấy cho Dự án. Ngoài ra, với suất đầu tư tương đối thấp (9.000 đồng/m3), việc thực hiện Dự án sẽ tạo ra hệ sinh thái, nước tưới và giải quyết nhiều mục tiêu tạo hiệu quả cao cho Dự án.

Giải đáp thắc mắc của một số đại biểu Quốc hội về thời gian đầu tư Dự án là 5 năm, theo ông Cảnh, do tỉnh Bình Thuận còn tính toán cân đối với phần chi phí dành cho việc trồng rừng thay thế diện tích rừng đặc dụng của Dự án. Theo đó, tỉnh Bình Thuận sẽ trồng lại diện tích rừng thay thế với những loại thực vật bản địa, phù hợp với điều kiện sinh trưởng tốt nhất của rừng.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian của Dự án kéo dài 5 năm cũng là “hơi lâu” đối với tính cấp thiết và quy mô của Dự án. Tuy nhiên, thời gian đầu tư của Dự án kéo dài xuất phát từ vấn đề nguồn vốn của cả Trung ương và địa phương. Về vấn đề này, Chính phủ và tỉnh Bình Thuận sẽ xem xét kỹ lưỡng và sắp xếp vốn cho Dự án, Trung ương và địa phương sẽ xem xét tập trung được nguồn vốn nhiều hơn cho Dự án để đẩy nhanh tiến độ, không để kéo dài tới 5 năm.

Dự kiến theo chương trình Kỳ họp, chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pet sẽ được Quốc hội thảo luận tại hội trường vào ngày 12/11.

Chuyên đề