Quý I/2017 Bắc Ninh dẫn dầu cả nước về hút vốn FDI

(BĐT) - Theo số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, trong quý I/2017, Bắc Ninh thu hút được 2,61 tỷ USD, cao nhất cả nước và cao hơn địa phương đứng thứ hai là Bình Dương khoảng 1,22 tỷ USD.
Lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư FDI tại Bắc Ninh chủ yếu là lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin... Ảnh: Tường Lâm
Lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư FDI tại Bắc Ninh chủ yếu là lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin... Ảnh: Tường Lâm

Cụ thể, tính đến ngày 20/3/2017, Bắc Ninh có 27 dự án đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 116,02 triệu USD. Số lượt dự án tăng vốn là 13 dự án với số vốn tăng thêm là 2,483 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2015, số dự án và số vốn đăng ký đều tăng mạnh. Trong năm 2016, Ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh có 110 dự án đăng ký mới với 467,59 triệu USD tổng vốn đầu tư; 285 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư...

Các dự án FDI có quy mô lớn đầu tư tại Bắc Ninh trong quý I/2017 tiêu biểu như: Dự án Hanwha Techwin Security của Công ty Hanwha Techwin Security (Hàn Quốc) với vốn đăng ký là 100 triệu USD chuyên sản xuất mạch điện tử, chất bán dẫn, các loại chíp điện tử, máy vi tính...; Dự án mở rộng của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam với vốn tăng thêm 2,5 tỷ USD tại Khu công nghiệp Yên Phong...

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về số vốn đầu tư vào khu công nghiệp Bắc Ninh. Lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư FDI tại Bắc Ninh chủ yếu là lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin... Đây là những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao. Theo một số chuyên gia, số dự án tăng thêm vốn và quy mô vốn tăng dần qua các năm cho thấy các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư lâu dài, mở rộng quy mô sản xuất. Điều kiện hạ tầng thuận lợi là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư đến đầu tư tại Bắc Ninh.

Để đạt được kết quả này, theo ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT - XH tỉnh Bắc Ninh, đó là do Bắc Ninh hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi như vị trí địa lý, đồng bộ kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh... Đặc biệt, tại Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn hình thành cụm ngành phát triển công nghiệp điện tử, tin học, công nghiệp hỗ trợ vệ tinh cho dự án lan tỏa của Samsung, do đó thu hút được nhiều dự án FDI.

Để tận dụng được cơ hội mang lại từ việc thu hút FDI, theo ông Bắc, cần tận dụng xu hướng phát triển cụm ngành, tăng tính kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong Tỉnh. Xác định đây là một trong những thách thức cho sự phát triển bền vững trong 10 - 20 năm tới, cho nên tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Đề án hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với doanh nghiệp FDI trong thời gian tới. Trước mắt, Bắc Ninh sẽ tập trung vào 2 nhóm chính là nhóm công nghiệp hỗ trợ và nhóm cung cấp dịch vụ cho các khu công nghiệp, các nhà đầu tư FDI.

Mặc dù, trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bắc Ninh đã có những bước cải thiện đáng kể (kết quả PCI 2016 xếp hạng Bắc Ninh vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành Tốt, đạt 60,35 điểm, xếp thứ 17/63 và xếp thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng), tuy nhiên, theo ông Nguyễn Phương Bắc, Bắc Ninh vẫn cần tiếp tục cải tiến hơn nữa, nâng cấp năng lực quản trị tương ứng với tốc độ và quy mô phát triển nhanh của Tỉnh. Việc đưa Trung tâm hành chính công đi vào hoạt động cũng là một trong những giải pháp tích cực để cải thiện năng lực cạnh tranh của tỉnh Bắc Ninh. Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng cần đầu tư kết cấu hạ tầng xã hội đồng bộ, hệ sinh thái liên quan đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động như trường học, cơ sở thiết chế văn hóa vui chơi giải trí, nhà ở xã hội... Đặc biệt, Bắc Ninh cần thu hút thêm các nhà đào tạo nước ngoài để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư FDI.

Chuyên đề