Quy hoạch phải là pháp lệnh cứng để phát triển đô thị

(BĐT) - Trong một thời gian dài, việc phát triển các đô thị tại Việt Nam chưa tuân thủ quy hoạch, không gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. 
Thiếu sự gắn kết hài hòa giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hải
Thiếu sự gắn kết hài hòa giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hải

Nhiều ý kiến tại Hội thảo tham vấn thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển với chủ đề “Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới” diễn ra ngày 13/9, tại Hà Nội cho rằng, nếu tiếp tục phát triển các đô thị một cách tự phát có thể dẫn đến tình trạng đô thị hóa trở thành gánh nặng, mà không tạo động lực thúc đẩy sự phát triển.

Bộc lộ những hạn chế

Nghiên cứu về đô thị hóa của Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện cho thấy, quá trình đô thị hóa thời gian qua phát triển khá nhanh, song vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nền kinh tế lớn. Cơ cấu đô thị hóa và công nghiệp hóa nói chung được phản ánh như một “hệ thống hai cấp”, gồm: Cấp cao hơn là các đô thị lớn (Hà Nội và đồng bằng sông Hồng, TP.HCM và Đông Nam Bộ); cấp thấp hơn là các vùng ngoài hai vùng kinh tế này.

Đặc biệt, theo WB, hiệu quả của nền kinh tế đô thị Việt Nam bắt đầu giảm. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng đất giảm dần do mở rộng đô thị nhanh hơn; hiệu ứng tích tụ rất hạn chế; liên kết ngành yếu; quy hoạch và thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập…

Đồng tình với nghiên cứu này, TS. Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, lâu nay, chúng ta vẫn xem nhẹ quá trình đô thị hóa, ít có những chương trình, định hướng cho quá trình đô thị hóa. Vì thế, quá trình đô thị hóa hiện nay mang tính chất tự phát, không gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế. “Chúng ta nhìn thấy nhiều khu công nghiệp, vùng công nghiệp nhưng không nhìn thấy đô thị tương ứng của quá trình công nghiệp hóa. Như vậy, chúng ta thiếu sự gắn kết hài hòa giữa đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế”, ông Cung bình luận.

Cũng theo ông Cung, quá trình đô thị hóa thời gian qua chưa tuân thủ các quy hoạch, dẫn đến mất cân đối giữa phát triển hạ tầng kết nối trong đô thị nói riêng và kết nối đô thị với vùng lân cận. Do đó, chúng ta không phát huy được thế mạnh, tiềm năng của đô thị hóa để thúc đẩy phát triển.

Bổ sung thêm, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra: “Đóng góp của 5 thành phố trực thuộc Trung ương gần như không thay đổi trong suốt 15 năm trở lại đây. Họ đang vấp phải ngưỡng không thể vượt lên. Nếu không thể vượt lên thì đóng góp của họ trong thời gian tới sẽ giảm xuống bắt nguồn từ việc không có sự thay đổi đô thị hóa, phân bổ nguồn lực”.

Đô thị hóa phải tạo động lực phát triển

Để tiếp tục đẩy mạnh và duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới, WB đề xuất, Việt Nam cần chuyển đổi sang chiến lược tăng trưởng theo định hướng đô thị hóa hiệu quả cao hơn. Hành động chính sách táo bạo là cần thiết để giải quyết các vấn đề đất đai và quy hoạch, phân bổ tài khóa và dịch chuyển lao động để nâng cao sự tích tụ kinh tế, liên kết vùng và để thực hiện đô thị hóa hiệu quả, bao trùm và có khả năng chống chịu.

Cụ thể, về hành động chính sách trong vấn đề đất đai và quy hoạch, Việt Nam cần quy định về quy hoạch và sử dụng đất chặt chẽ hơn để tạo thuận lợi cho liên kết giữa công nghiệp hóa, nhân khẩu học và mở rộng đô thị hóa; tăng cường tính liên kết của hệ thống quy hoạch, nhất là sự phối hợp trong quy hoạch ở cấp vùng đô thị; củng cố các khu công nghiệp hiện tại và phê duyệt thận trọng các khu công nghiệp mới có xem xét đến vị trí, tiềm năng kinh tế và mức độ dịch vụ hạ tầng…

Đối với phân bổ tài khóa, cần điều chỉnh công thức tài khóa để đáp ứng nhu cầu lớn hơn ở các khu vực tăng trưởng nhanh và thường cho hiệu suất, hiệu quả cao hơn; khuyến khích khu vực tăng trưởng nhanh sử dụng một cách sáng tạo các công cụ tài chính hiệu quả, bao gồm đối tác công tư, nắm giữ giá trị tăng thêm từ đất, quỹ hạ tầng…

Về giải pháp cho vấn đề này, ông Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Không thể phát triển đô thị một cách tự phát như lâu nay mà phải lấy quy hoạch như pháp lệnh cứng để phát triển, tránh việc để nhà đầu tư muốn làm gì thì quy hoạch theo như hiện nay. Chúng ta phải liên kết vùng đô thị với nhau, quá trình công nghiệp hóa không thể là ốc đảo, mà gắn với dân cư…”.

Để đô thị hóa thực sự trở thành động lực phát triển của địa phương, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, đô thị hóa cần gắn với công nghiệp hóa để thúc đẩy phát triển. “Cần nhìn đô thị hóa là một quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của một khu vực một cách tổng thể, chứ không thể nhìn nó như việc xây nhà để bán, chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị. Nếu làm được điều này, đô thị hóa mới thực sự tạo ra một không gian sống mới, ở đó có nghề nghiệp tốt hơn cho người dân, từ đó  thúc đẩy tăng trưởng…”, ông Cung nói.

Chuyên đề